06:55 06/08/2019

Chiến tranh thương mại “nhấn chìm” chứng khoán Mỹ

Bình Minh

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong tâm trạng hoảng loạn, ba chỉ số đồng loạt “bốc hơi” 3%

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ phiên ngày 5/8 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ phiên ngày 5/8 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất từ cuối năm ngoái trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi những bước leo thang mới nhất của thương chiến Mỹ-Trung khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong tâm trạng hoảng loạn.

Dù đã hồi điểm một phần vào thời điểm đóng cửa, chỉ số S&P 500 vẫn trượt khoảng 3%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ hôm 4/12/2018.

Theo hãng tin Reuters, cú giảm này tương đương mức sụt giảm vốn hóa thị trường 766 tỷ USD trong S&P 500. Đến nay, chỉ số đã giảm 6 phiên liên tiếp và đang thấp hơn khoảng 6% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại thiết lập hôm 26/7.

Cú sốc mới nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu đến từ việc đồng Nhân dân tệ giảm giá quá mốc 7 tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 11 năm. Mốc 7 bị phá sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 5/8 hạ tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ về mức thấp nhất trong 8 tháng.

Động thái của PBoC được xem là sự trả đũa đối với việc Tổng thống Donald Trump vào tuần trước bất ngờ tuyên bố áp thuế quan bổ sung 10% lên nốt 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9.

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên Twitter ngày 5/8, ông Trump gọi việc Nhân dân tệ giảm giá mạnh cùng ngày là một "sự vi phạm lớn" và "hành vi thao túng tiền tệ".

"Đây là sự leo thang của thương chiến", chiến lược gia cổ phiếu Stevn DeSanctis thuộc công ty Jefferies ở New York nói với Reuters. "Đồng USD mạnh lên so với Nhân dân tệ đặt ra một vấn đề mới. Đối với các công ty có nhiều hoạt động ngoài thị trường Mỹ, biến động tỷ giá này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ".

Về lý thuyết, Nhân dân tệ giảm giá và USD tăng giá đặt ra thách thức cho các công ty Mỹ có nhiều hoạt động sản xuất-kinh doanh tại Trung Quốc, vì làm gia tăng chi phí của những hàng hóa mà các công ty này bán tại Trung Quốc.

Trong một diễn biến căng thẳng khác, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố các công ty nước này đã dừng mua nông sản Mỹ, và Trung Quốc không loại trừ khả năng áp thuế quan lên các lô nông sản Mỹ mua sau ngày 3/8.

Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500, vốn là những công ty có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc, sụt 4,1%.

Trong đó, cổ phiếu Apple trượt 5,2% do giới phân tích cảnh báo thuế quan mới sẽ gây suy giảm nhu cầu điện thoại iPhone. Nhóm cổ phiếu con chip sụt 4,4%.

Thị trường chứng khoán có thể sụt giảm sâu hơn nếu không có dấu hiệu nào về sự cải thiện quan hệ thương mại Mỹ-Trung trước tháng 9 - thời điểm kế hoạch áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của ông Trump chính thức có hiệu lực, theo chiến lược gia Keith Lerner thuộc SunTrust Advisory Services.

"Sẽ có một chút khoảng trống trên thị trường trong vài tuần tới", ông Lerner nói. "Chúng ta đang trong giai đoạn điều chỉnh, và thị trường vẫn còn khả năng giảm thêm".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones "bay" 2,9%, còn 25.717,74 điểm. S&P 500 sụt 2,98%, còn 2.844,74 điểm. Chỉ số Nasdaq "bốc hơi" 3,47%, còn 7.726,04 điểm.

Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall tăng 6,98 điểm, lên mức 24,59 điểm, mức cao nhất trong khoảng 7 tháng.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 6,36 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứn là 6,46 lần. Có tổng cộng 9,41 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.