07:54 02/06/2010

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất

Từ Nguyên

Thủ tướng Chính phủ cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn ở mức cao nên cần thiết phải tiếp tục giảm xuống

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 1/6.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 1/6.
Nợ công vẫn đảm bảo an toàn, lãi suất cho vay còn ở mức cao, đường sắt cao tốc cần phải được xem xét kỹ... là những kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 1/6.

Tại buổi họp báo Chính phủ vào cuối chiều 1/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đạt và làm rõ thêm những kết luận trên, đồng thời giải đáp thắc mắc của báo giới liên quan đến những vấn đề của nền kinh tế đang được công luận quan tâm.

Lãi suất vẫn còn cao

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, sau khi thảo luận, các thành viên Chính phủ đã thống nhất với đánh giá nền kinh tế trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Cụ thể, nền kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4% trong tháng 5, nhập siêu đã giảm, giá cả tiêu dùng đã tăng chậm lại và dần đi vào ổn định.

Tuy nhiên, tại phiên họp trên, Thủ tướng cũng lưu ý, nền kinh tế nhìn chung vẫn còn một số tồn tại cần phải được khắc phục như lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn cao đã gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; nhập siêu tuy giảm nhưng còn lớn, trên mức 20%/tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tính từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã xuất hiện thêm một vấn đề, đó là thị trường bất động sản đang diễn biến bất thường, cộng với tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; dịch bệch thiên tai đã ảnh hương tiêu cực đến kinh tế - xã hội và cuộc sống nhân dân...

Với thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan phải đẩy mạnh một số giải pháp thông qua việc thực thi các cơ chế chính sách sẵn có hoặc ban hành mới như: thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đảm bảo cung cầu và dự trữ ngoại tệ, tiến hành niêm yết và giám sát chặt chẽ giá cả, cung ứng điện ở mức tối đa cho sản xuất và sinh hoạt.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng trước cũng như trong nghị quyết của phiên họp, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét các biện pháp để hạ lãi suất huy động VND xuống 10%/năm, lãi suất cho vay xuống 12%/năm...

Liên quan đến vấn đề nợ công, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các thành viên Chính phủ cũng đã thảo luận rất kỹ vấn đề này, đồng thời Thủ tướng đã khẳng định rằng, với mức nợ của Việt Nam hiện nay, trên cơ sở dự tính sự tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 200 tỷ USD đến năm 2020, thì nợ công vẫn trong tầm kiểm soát.

Đặc biệt, Chính phủ lưu ý sẽ sử dụng nợ một cách tiết kiệm, có hiệu quả đối với các công trình thiết thực cho đời sống dân sinh, hạ tầng bức thiết của xã hội.

“Theo tính toán một cách cụ thể, chi tiết thì nợ công của chúng ta là an toàn, trong tầm kiểm soát. Không thể và không có tình trạng vỡ nợ xảy ra. An toàn về nợ của chúng ta không những đảm bảo trước mắt mà còn cả lâu dài”, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp.

Sẽ “mổ xẻ”đường sắt cao tốc

Trả lời câu hỏi về những vấn đề liên quan đến dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay trong hôm nay (2/6), Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhằm chuẩn bị báo cáo bổ sung gửi Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Phúc, quan điểm của Chính phủ là thực hiện dự án phải đạt hiệu quả, áp dụng công nghệ hiện đại, có tính lâu dài và phải rút kinh nghiệm từ các nước đi trước, đặc biệt là Nhật Bản. Do đó, trong cuộc họp tới, Chính phủ sẽ làm rõ những vấn đề đặt ra đối với dự án đang được dư luận quan tâm này.

Cũng theo ông Phúc, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về nguồn vốn đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây mới là kinh phí dự trù tổng thể với đơn giá dự kiến. Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tiến hành xem xét các dự án thành phần và đưa ra con số cụ thể.

Về đối tác triển khai, đại diện Chính phủ cho biết đã nhận được cam kết từ phía Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn, công nghệ nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phúc cũng nhấn mạnh, Chính phủ vẫn để ngỏ nhiều phương án trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nhật Bản sẽ là một trong các đối tác quan trọng trong cung cấp nguồn vốn cho dự án. Tuy nhiên, vay như thế nào và vay bao nhiêu sẽ được làm rõ sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương.

“Mặc dù chúng ta đề cập, thảo luận đến dự án này ngay từ bây giờ nhưng phải đến 2035 chúng ta mới có đường sắt cao tốc. Trong khi đó, năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, khoảng trên 200 tỷ USD nên vấn đề về vốn và trả nợ cũng không phải là vấn đề quá quan trọng”, Bộ trưởng Phúc khẳng định.