16:42 09/11/2023

Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn cho dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

Nhĩ Anh

Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết năm 2024. Đây là một dự án rất lớn và “vắt” qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hy vọng tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 sẽ được bảo đảm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, ngày 9/11/2023, Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành).

TRANH LUẬN VIỆC KÉO DÀI GIẢI NGÂN DỰ ÁN

Cho ý kiến về kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông, đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu cho biết theo quy định tại Điều 68 của Luật Đầu tư công, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31/1 của năm đầu tiên năm kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang: "Ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội quyết toán. Như vậy nếu nay trình kéo dài vốn của năm 2021 là không hợp lý bởi không thể bố trí khoản mà Quốc hội đã quyết toán, đã “chốt” và không có chuyển nguồn".
Đại biểu Nguyễn Trường Giang: "Ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội quyết toán. Như vậy nếu nay trình kéo dài vốn của năm 2021 là không hợp lý bởi không thể bố trí khoản mà Quốc hội đã quyết toán, đã “chốt” và không có chuyển nguồn".

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến hết ngày 31/1 của năm sau; trường hợp bất khả kháng Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 của năm sau.

Số vốn kế hoạch của giai đoạn 2016-2020 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31/1/2021 và số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022 và có thể được kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 theo quyết định của Thủ tướng.

Tán thành bổ sung vốn nhưng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; thiếu cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét quyết định nội dung này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, nhấn mạnh cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm từng ngày. Trước ý kiến cho rằng phần chuyển vốn chưa hợp lý, đại biểu cho rằng, theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công, những nội dung này không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, không quy định việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn sau.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, tranh luận.
Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, tranh luận.

Do đó, nếu quyết định chuyển phải qua thẩm quyền của Quốc hội, đặc biệt, hiện nay chúng ta đang còn khoản kết dư trong ngân sách Đồng Nai, nếu cho chuyển, tỉnh có thể sử dụng được ngay mà không làm tăng dự toán của năm 2024.

Thực tế, quyết định này có tiền lệ ở Dự án hồ Ka Pét ở Bình Thuận, Quốc hội cũng đã cho phép. Đại biểu cho rằng việc cho phép sẽ vừa phù hợp về thẩm quyền, vừa phù hợp về quy trình, thủ tục, không phát sinh những vấn đề lớn, ứng phó kịp thời trong tình hình cấp bách.

Tranh luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đoàn Lai Châu, nhấn mạnh cần bố trí đủ vốn để dự án này hoàn thành trong năm 2024, vấn đề khác nhau chỉ là yếu tố kỹ thuật. Dự toán ngân sách năm 2021 đã được Quốc hội bấm nút quyết toán. Dự toán từ năm 2021 trở về trước đã bị hủy, Quốc hội chỉ có thể kéo dài nguồn vốn của năm 2022 chưa quyết toán trở về sau.

Đại biểu đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.

CẦN ĐÁNH GIÁ SÁT HƠN NGUYÊN NHÂN CHẬM TIẾN ĐỘ DỰ ÁN, TRÁNH GIA HẠN RỒI TIẾP TỤC CHẬM TRỄ 

Về tiến độ dự án, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương bày tỏ nhất trí với đề xuất kéo dài gian giải ngân vốn đầu tư công đến 2024. Thời gian kéo dài như vậy không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng liên quan đến vấn đề tiến độ các dự án thuộc công tác điều hành của Chính phủ. Do vậy, đối với các dự án tương tự, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc về thẩm quyền, hoặc nếu thực sự phải thực hiện Nghị quyết Quốc hội đối với các dự án như thế này thì Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét.

Theo Nghị quyết số 53 quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021. Theo đại biểu biểu Bùi Xuân Thống, đoàn Đồng Nai, tính tới thời điểm này, dự án đã trễ hạn gần 2 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương: "Cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ".
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương: "Cần nhìn nhận rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ".

Tuy nhiên, qua giám sát, các cấp của tỉnh Đồng Nai đã chủ động, quyết liệt triển khai dự án. Đến nay, tiến độ của dự án đạt gần 98,7%. Vì vậy, theo đại biểu, việc thu hồi phần diện tích còn lại không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án và việc xin kéo dài thời gian dự án là để hoàn thành các cấu phần xây dựng.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, cho rằng trong tờ trình của Chính phủ có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, đây hầu như là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan. Thậm chí có nguyên nhân chưa có tính thuyết phục cao, như do đại dịch Covid-19…

Do đó, đại biểu đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.

Cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp, nhấn mạnh đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai giải ngân các dự án. Việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý.

Theo đại biểu, sân bay Long Thành là một dự án rất là lớn và “vắt” qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 53/2017/QH14 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Lần này Quốc hội khóa XV xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần.

Điều này là một nỗ lực, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn. Đại biểu hy vọng tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa.

 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời tại phiên họp ngày 9/11/2023.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời tại phiên họp ngày 9/11/2023.

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho biết ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách…, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.

Ông Thắng thông tin đến nay, dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã hoàn thành khối lượng lớn, bàn giao tới 97,6% để phục vụ giai đoạn I nhưng vẫn còn khoảng 6.157 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền bố trí nhưng chưa giải ngân. Số vốn này đã được hủy dự toán trên hệ thống và đang kết dư vào ngân sách tỉnh Đồng Nai.

Để tránh tạo áp lực, giảm thủ tục thời gian trong việc bố trí nguồn đầu tư trung hạn trong khi nguồn kết dư vẫn đang nằm trong ngân sách tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn khoảng 2.510 tỷ trong khoảng 6.157 tỷ đồng vốn chưa giải ngân sang năm 2024 để hoàn thành dự án, Bộ trưởng Thắng báo cáo.