Chính phủ đính chính báo cáo về tình hình nợ công
Việc sai sót số liệu tình hình nợ công đã được đại biểu Quốc hội phát hiện trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10
Việc sai sót số liệu tình hình nợ công đã được đại biểu Quốc hội phát hiện trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10.
Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội văn bản đính chính báo cáo về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.
Văn bản phát hành ngày 28/10, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng ký.
Trước đó, báo cáo 512/BC-CP ngày 18/10/ 2019 về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ đã được gửi đại biểu trước thềm kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Bộ trưởng Dũng cho biết, lý do đính chính là do phát hiện lỗi kỹ thuật tại báo cáo 512.
Cụ thể, nội dung đính chính là bỏ chữ "nghìn" trong đơn vị tính khoản trả nợ ròng năm 2019 là "5.038,3 nghìn tỷ đồng", con số sau đính chính tại báo cáo mới là 5.038,3 tỷ đồng.
Đính chính tiếp theo là bổ sung chữ "nghìn" trong đơn vị tính của số dự kiến huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 (từ 459,4 tỷ đồng thành 459,4 nghìn tỷ đồng).
Số dự kiến năm 2020 vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương 26,5 nghìn tỷ đồng, cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập 16,9 nghìn tỷ đồng, huy động từ nguồn ngân quỹ nhà nước và các nguồn khác 95,4 nghìn tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi về cho vay lại (trả gốc 19,1 nghìn tỷ đồng, trả lãi 11,0 nghìn tỷ đồng).
Chính phủ cũng đính chính số liệu vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 232,5 nghìn tỷ đồng.
Sau khi đính chính, báo cáo mới cho biết, năm 2020 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 349 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 287,9 nghìn tỷ đồng và nước ngoài khoảng 61,1 nghìn tỷ đồng.
Việc sai sót số liệu tình hình nợ công đã được đại biểu Quốc hội phát hiện trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/10.
Tại đây, cũng có ý kiến cho rằng, kết quả nợ công giảm chưa thực chất, vì giảm là do giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không đạt kế hoạch.