08:52 28/12/2018

“Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Hà Vũ

Thủ tướng nói, năm 2018 có những thời điểm đứng trước khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phương châm 12 chữ của Chính phủ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phương châm 12 chữ của Chính phủ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá.

Sáng 28/12, hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 được Chính phủ tổ chức, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại phòng họp từ 7h30.

Điểm cầu Hà Nội còn có sự có mặt của nhiều vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng nhiều vị Uỷ viên Trung ương.

2018 có những thời điểm khó khăn rất lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi thành quả và khó khăn của 2018 sẽ tác động quan trọng đến tinh thần và quyết tâm của 2019, một năm quan trọng về mọi phương diện.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2018 có những thời điểm đứng trước khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán, thế nhưng lần đầu tiên tăng trưởng GDP của Việt Nam không chỉ đạt mà còn vượt, cao nhất trong 10 năm, xuất siêu lập kỷ lục mới, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rõ rệt, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục, nợ xấu giảm rất sâu...

“Điều rất đáng mừng là nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang đi vào cuộc sống, chưa thời điểm nào chứng kiến sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân như năm vừa qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết quả đặc biệt tiếp theo, theo Thủ tướng, là nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra điều tra xét xử nghiêm minh, niềm tin của nhân dân được củng cố sâu sắc.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, hội nghị này không chỉ là tổng kết 2018 mà cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vì kết quả 2018 là kết quả của chính sách và  hành động từ đầu nhiệm kỳ, kế thừa những gì đạt được trước đó.

Trong khi đó, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tổng quát của năm 2019 vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội chốt cho năm sau: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

“Mọi thể chế đều do con người làm ra”

Cũng liên quan đến 2019, Thủ tướng gợi ý một số vấn đề, như cần giải pháp mạnh mẽ khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. 

“Không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách, vì mọi thể chế đều do con người làm ra”, Thủ tướng nói.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng lãng phí, xử lý dứt điểm khiếu nại, cơ bản giải quyết tình trạng trên nóng dưới lạnh mà nhân dân phàn nàn cũng là những vấn đề được Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phương châm 12 chữ của Chính phủ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá.

Khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ tiến trình đô thị hoá, công nghệ mới, những loại hình du lịch mới, dựa nhiều hơn vào năn suất lao động và nền kinh tế số ...

Thủ tướng cũng cho biết năm 2019 đích thân người đứng đầu Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo đánh giá một số vấn đề lớn, trong đó có những dự án thua lỗ kéo dài.

“Kết quả 2018 là rất đáng khích lệ, song Chính phủ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, bởi hành trình đi đến con đường trở thành dân tộc thịnh vượng của đất nước ta còn rất dài với rất nhiều thách thức phía trước”, Thủ tướng khẳng định.

Nội hàm, giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta là không để người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị đến nông thông, từ miền ngược, đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.