"Chính phủ không có chủ trương đổi mới chữ viết"
Trước đề xuất đổi mới chữ viết, Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân
"Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết. Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân". Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tại huyện Đức Thọ, ngày 4/12.
Tại buổi làm việc, cử tri huyện Đức Thọ đã nêu ý kiến và kiến nghị một số vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự tại địa phương cũng như cả nước, trong đó có việc bày tỏ không đồng tình với đề nghị cải cách chữ viết, ghi tên các thành viên gia đình vào trong sổ đỏ sẽ gây ra lãng phí và bất cập trong các quan hệ dân sự...
Ghi nhận các đánh giá và kiến nghị của cử tri huyện Đức Thọ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tuỳ theo thẩm quyền sẽ giao các cơ quan của Chính phủ hay chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu và thực hiện nguyện vọng của cử tri Đức Thọ cũng như là cử tri cả nước nói chung.
Đối với đề xuất đổi mới chữ viết, Phó thủ tướng khẳng định: Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết. Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân.
Ông cũng cho rằng, "Mọi người nên có cái nhìn công bằng, cần có cách ứng xử với những đề xuất, sáng tạo có ích cho cộng đồng".
Bên cạnh thông tin chính thức về quan điểm của Chính phủ đối với đề xuất đổi mới chữ viết, Phó Thủ tướng cũng không đồng tình khi ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ vì sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân và cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức đánh giá, truyền thông kỹ càng trước mỗi kiến nghị về chính sách, tránh gây ra các phản ứng chính sách không cần thiết trong xã hội.
Trước đó, PGS.TS ngành ngữ văn Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã công bố côngtrình cải tiến chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện.
So với bảng hiện hành, bảng mới do PGS Bùi Hiền đề xuất bổ sung 4 chữ cái Latinh F, J, W, Z và bỏ chữ Đ trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành. Giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có cũng được thay đổi.
Cụ thể, C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R. Ông đồng thời tạo thêm một chữ cái mới cho âm vị "nhờ" (nh). Như vậy, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt…
Đề xuất này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, trong đó có cả một số chuyên gia dù không đồng tình phải đổi mới ngay nhưng cũng cho rằng cần phải nghiên cứu, xem xét thêm về đề xuất nói trên.