09:42 07/06/2018

Chính phủ muốn "linh hoạt" cấp tướng ngành công an

Nguyễn Lê

Chính phủ đề xuất không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Sáng 7/6 Thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình Quốc hội dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Dù Luật Công an nhân dân mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 song theo Chính phủ việc sửa luật là cấp thiết.

Lý do của sự cấp thiết này là để thế chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc sửa luật, theo tờ trình còn để khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành luật hiện hành.

Một trong những nội dung đáng chú ý là sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân theo hướng: không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Chính phủ cũng muốn sửa đổi quy định về thẩm quyền của Thủ tướng: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng cục đặc biệt; nâng lương cấp bậc hàm đại tướng, thượng tướng." Dự thảo luật cũng bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng lương cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tán thành với sự cần thiết sửa luật, song cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) còn chưa thống  nhất cao với đề xuất "linh hoạt" cấp tướng tại dự thảo luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan thẩm tra có hai loại ý kiến về quy định vị trí chức vụ có bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng luật năm 2014. Đồng thời, để tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành luật.

Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định như dự thảo luật, vì cho rằng phù hợp với yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, bảo đảm bí mật về tổ chức cũng như để linh hoạt trong thực tiễn, tránh phải sửa đổi luật khi có sự điều chỉnh về tổ chức, bộ máy. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể tiêu chí cục đặc biệt; số lượng vị trí cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an nhân dân để giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quy định cụ thể, tránh thực hiện thiếu thống nhất hoặc lạm dụng khi áp dụng điều luật.

Loại ý kiến này cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm chức vụ tương đương bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng và các chức vụ khác theo nguyên tắc chức vụ tương đương thì cấp bậc hàm tương đương.

"Uỷ ban Quốc phòng - an ninh nhận thấy, việc quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành là phù hợp", Chủ nhiệm Võ Trọng Việt báo cáo.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, quá trình thi hành Luật Công an nhân dân hiện hành về quy định này không có vướng mắc.

"Tuy nhiên, vấn đề này đã được Chính phủ cân nhắc kỹ và thể hiện trong dự thảo luật theo hướng không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", ông Việt nói.

Ngay chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về việc sửa Luật Công an nhân dân.