08:53 15/07/2008

Chính phủ Mỹ ra tay giải cứu hai “đại gia” tài chính

Kiều Oanh

Cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ lại buộc chính phủ nước này phải ra tay cứu nguy các tổ chức tài chính lớn

Cùng với "người anh em họ" Fannie, Freddie là doanh nghiệp nằm dưới sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ.
Cùng với "người anh em họ" Fannie, Freddie là doanh nghiệp nằm dưới sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ.
Lo ngại hai tập đoàn đầu tư cho vay thế chấp khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac có thể sụp đổ, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) đã chính thức vào cuộc.

>>Kịch bản "tận thế" cho hai “đại gia” tài chính Mỹ

Một kế hoạch mua lại cổ phần và cho vay đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson đưa ra ngày 13/7 theo giờ địa phương.

Bên cạnh đó, FED cũng ra một quyết định theo đó FED sẽ cho phép Fannie và Fredie có thể tiếp cận với một trong những chương trình cho vay ngắn hạn của FED.

Một quan chức của FED cho biết, chương trình cho vay của FED đã được thông qua, tuy nhiên, đây chỉ là một chương trình mang tính tạm thời và có thể chấm dứt một khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tài chính. Được biết, số tiền trong kế hoạch mà ông Paulson đề xuất để dùng làm “phao cứu sinh” cho Fannie và Freddie có thể lên tới 300 tỷ USD.

Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng trở lại đây, cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ buộc chính phủ nước này phải ra tay cứu nguy các tổ chức tài chính lớn. Hồi tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ và FED đã “thiết kế” vụ bán lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns cho JPMorgan Chase để ngăn ngân hàng này khỏi vỡ nợ.

Kế hoạch cứu Fannie và Freddie được công bố vào tối Chủ nhật theo giờ địa phương nhằm trấn an thị trường chứng khoán thế giới và Phố Wall trước khi một làn sóng bán tháo các loại chứng khoán do Freddie và Fannie phát hành có thể xảy ra vào buổi sáng thứ Hai. Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ gắn đề xuất của Bộ Tài chính Mỹ vào một đạo luật nhà đất sẽ được hoàn thiện và gửi tới Nhà Trắng đề được thông qua trong tuần này.

“Tổng thống đã yêu cầu tôi làm việc ngay lập tức với Quốc hội về kế hoạch này. Fannie và Freddie đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính địa ốc của nước Mỹ và phải tiếp tục vai trò này dưới mô hình hiện nay của họ là những công ty thuộc sở hữu của các cổ đông. Sự hỗ trợ của hai công ty đối với thị trường địa ốc là vô cùng quan trọng vì thị trường này đang trải qua thời kỳ điều chỉnh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson cho biết.

Có một lựa chọn khác mà các cơ quan chức năng của Mỹ cũng cân nhắc để cứu Fannie và Freddie là đưa một hoặc cả hai công ty này dưới sự kiểm soát của một cơ quan do Chính phủ chỉ định. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ được coi là giải pháp cuối cùng nếu như những biện pháp được ưu tiên không thể lấy lại niềm tin trên thị trường tài chính.

Mặc dù nhiều quan chức cấp cao liên tiếp lên tiếng khẳng định Fannie và Freddie có đủ khả năng tài chính để vượt qua khủng hoảng, niềm tin của thị trường đối với hai công ty này đã sụt giảm thảm hại cùng với giá cổ phiếu của họ. Trong tuần trước, cổ phiếu của Fannie và Freddie đã mất giá 45%, còn từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hai công ty này đã sụt giá mất 75%.

Trong ngày đầu tuần này, Freddie buộc phải phát hành một lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ USD. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại lần phát hành này sẽ không thành công và gây ra một đợt bán tháo mới cổ phiếu của Freddie, do đó họ buộc phải hành động sớm.

Fannie Mae được Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1938 và Freddie Mae được Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1970 với chức năng hỗ trợ người Mỹ mua nhà.

“Sứ mệnh” của hai công ty này là duy trì thị trường cho vay thế chấp bằng cách mua lại các khoản vay từ các ngân hàng rồi sử dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa, biến các khoản vay này thành trái phiếu và bán cho các nhà đầu tư với đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ được thanh toán. Điều này khiến các ngân hàng càng muốn cho vay nhiều hơn do Fannie và Freddie đã “ôm về mình” các loại rủi ro như thanh toán chậm, vỡ nợ và biến động lãi suất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Fannie và Freddie cũng là những công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, do đó họ còn cón một sứ mệnh khác là tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông. Nỗ lực này dĩ nhiên cũng hàm chứ rủi ro, nhưng dưới “cái ô” của Chính phủ, Fannie và Freddie vẫn khiến người ta tin rằng, FED sẽ không bao giờ để hai công ty này sụp đổ.

Bản chất “lai” nói trên đem lại những cơ hội lớn và cả những tham vọng lớn khiến Fannie và Freddie ngày càng tiếp nhận thêm nhiều rủi ro để bành trướng, tăng cường vai trò và cũng để thu hút nhiều lợi nhuận hơn trên thị trường cho vay cầm cố.

Sự sụp đổ hoặc của Fannie, hoặc của Freddie có thể là thảm họa đối với kinh tế thế giới. Được sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ, hai công ty này sở hữu hoặc bảo lãnh tới gần 1/2 lượng nợ cầm cố ở Mỹ, đồng thời, các loại chứng khoán mà họ phát hành hiện nằm trong tay nhiều chính phủ nước ngoài, các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, các công ty lớn và các thể chế tài chính khổng lồ. Khi mới thành lập Fannie chỉ có khoảng 15 tỷ USD dư nợ trong tay, còn hiện nay, con số này đã lên tới 800 tỷ USD. Freddie cũng có lượng dư nợ khoảng 740 tỷ USD. Trong khi đó, lượng nợ cầm cố mà hai công ty này nắm giữ hoặc bảo lãnh có trị giá hơn 5.000 tỷ USD.

“Các tổ chức tài chính trên khắp thế giới đang nắm giữ nợ của Fannie và Freddie. Việc duy trì sức mạnh cho hai công ty này là việc làm quan trọng để duy trì niềm tin và sự ổn định của hệ thống tài chính. Do đó, chúng ta phải hành động để giải quyết tình hình hiện nay”, ông Paulson nói.

Việc Chính phủ Mỹ cứu giúp hai tổ chức lớn Fannie và Freddie được cho là một động thái cho thấy có thể những tổ chức “nhỏ con” hơn như Lehman Brothers sẽ không được cứu và những tổ chức này phải “tự thân vận động” để thoát hiểm trong cơn khủng hoảng hiện nay.

Hiện Lehman là ngân hàng đầu tư đang được xem là “dễ chết” nhất ở Phố Wall và tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu của Lehman đã mất giá khoảng 80%. Trong quý 2, Lehman thua lỗ khoảng 3 tỷ USD.

(Theo New York Times, CNN, AP)