16:16 23/10/2017

Tây Ban Nha quyết sa thải toàn bộ chính quyền Catalonia

Bình Minh

Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ có động thái chưa từng có tiền lệ

Một cuộc biểu tình ủng hộ Catalonia ly khai diễn ra ở Barcelona hôm thứ Bảy - Ảnh: Reuters.
Một cuộc biểu tình ủng hộ Catalonia ly khai diễn ra ở Barcelona hôm thứ Bảy - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 22/10 kêu gọi chính quyền Catalonia chấp nhận từ bỏ quyền lãnh đạo và đưa vùng này về dưới sự quản lý của Madrid. Lời kêu gọi được đưa ra khi cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất nhiều thập kỷ của Tây Ban Nha bước vào tuần mang tính quyết định.

Theo hãng tin Reuters, vào hôm thứ Bảy, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ có động thái chưa từng có tiền lệ là sa thải hoàn toàn bộ máy chính quyền Catalonia nhằm chặn đứng nỗ lực giành độc lập của vùng này.

Tuy nhiên, quyết định dự định được thực thi trong tuần này của Madrid đã vấp phải sự bác bỏ của người đứng đầu Catalonia, ông Carles Puigdemont. Cùng ngày, hàng nghìn người ủng hộ Catalonia trở thành một quốc gia độc lập đã xuống đường tuần hành ở Barcelona, thủ phủ của vùng.

Chủ tịch Nghị viện Catalonia, bà Carme Forcadell, cũng tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của Madrid, đồng thời cáo buộc Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tổ chức một cuộc "đảo chính" ở Catalonia.

Ngày Chủ nhật, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis kêu gọi Catalonia tuân thủ yêu cầu của Madrid. "Tất cả những gì mà Chính phủ đang cố gắng làm là lập lại trật tự pháp luật, đảm bảo hiến pháp", ông Dastis nói với BBC TV. "Chúng tôi sẽ thành lập một chính quyền mới để điều hành công việc hàng ngày ở Catalonia, phù hợp với các quy định luật pháp của Catalonia".

Tuy nhiên, ông Dastis cũng trấn an rằng Madrid sẽ không bắt bớ các lãnh đạo ly khai của Catalonia, dù hai thủ lĩnh ly khai tiêu biểu của vùng này đã bị tạm giữ ở tòa án cách đây ít lâu. "Chúng tôi sẽ không bắt ai", ông Dastis nói.

Lãnh đạo Catalonia nói họ sẽ không chấp nhận sự lãnh đạo trực tiếp từ Madrid. Điều này đặt ra khả năng họ và những người ủng hộ sẽ tìm cách phớt lờ Chính phủ Tây Ban Nha khi đến thời điểm họ bị sa thải.

Việc ông Rajoy sử dụng quyền đặc biệt trong hiến pháp để sa thải chính quyền Catalonia vẫn cần có sự thông qua của Quốc hội Tây Ban Nha trong phiên họp diễn ra vào ngày thứ Sáu. Nếu được thông qua, Madrid có thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn các vấn đề ngân sách, cảnh sát và truyền thông của Catalonia, đồng thời hạn chế quyền lực của nghị viện xứ này trong vòng 6 tháng cho tới khi có cuộc bầu cử mới.

Các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Catalonia độc lập đã có hàng trăm nghìn người tham gia, tuy nhiên, hầu hết các cuộc biểu tình đến nay vẫn diễn ra trong hòa bình.

Việc Thủ tướng Rajoy dự định dùng quyền lực đặc biệt trong hiến pháp để sa thải chính quyền Catalonia đã làm dấy lên lo ngại ở cả phe ủng hộ và phe chống ly khai. Những người lo ngại cho rằng động thái như vậy có thể thổi bùng căng thẳng và bất ổn ở Catalonia nếu lãnh đạo vùng này kêu gọi người dân phản kháng.

Theo dự kiến, Nghị viện Catalonia sẽ họp trong ngày thứ Hai (23/10) để quyết định cách thức phản ứng với yêu cầu của Madrid. Một số nhà quan sát nhận định cuộc họp này có thể mở đường cho việc Catalonia chính thức tuyên bố độc lập.