“Chính phủ Trung Quốc giành quyền kiểm soát hãng dầu lửa tư nhân lớn nhất”
CEFC China, công ty dầu lửa tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã bị Chính phủ nước này giành quyền kiểm soát
Chính phủ Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát công ty dầu lửa tư nhân lớn nhất nước này, trong một nỗ lực nữa nhằm siết chặt giám sát đối với các doanh nhân hàng đầu và hoạt động vay nợ của họ. Vụ việc diễn ra sau khi Bắc Kinh giành quyền kiểm soát hãng bảo hiểm tư nhân khổng lồ Anbang mới đây.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết, Shanghai Guosheng Group, một tổ chức đầu tư trực thuộc chính quyền thành phố Thượng Hải, từ tuần trước đã tiếp quản bộ máy quản lý và hoạt động hàng ngày của CEFC China - công ty dầu lửa tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải và được sáng lập bởi doanh nhân Ye Jianming.
Nguồn thạo tin khác nói với SCMP rằng từ trước Tết Nguyên đán, ông Ye đã bị bắt giữ và thẩm vấn trong một cuộc điều tra chưa được công bố.
Dù CEFC ra một tuyên bố nói rằng hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, cổ phiếu của 2 trong số 3 công ty có liên quan đến CEFC niêm yết tại Thẩm Quyến và Singapore đã mất giá mạnh trong phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Lo ngại về việc các công ty tư nhân Trung Quốc vay nợ tràn lan để mua tài sản, bao gồm tài sản ở nước ngoài, Chính phủ nước này đã mạnh tay kiểm soát kể từ tháng 4 năm ngoái, nhằm vào một loạt công ty lớn như Anbang, Dalian Wanda Group, Fosun Group, và HNA Group.
Mới tuần trước, cơ quan giám sát bảo hiểm Trung Quốc giành quyền kiểm soát Anbang. Chủ tịch Anbang, ông Wu Xiaohui, bị cách chức và khởi tố vì các tội danh kinh tế không được công bố cụ thể.
CEFC đã chi hàng tỷ USD cho các vụ thâu tóm tài sản ở nước ngoài kể từ tháng 7/2015, trải rộng ở nhiều nước từ Chad tới Romania.
Trong số các vụ mua lại của CEFC, phải kể tới vụ công ty này mua 14,2% cổ phần của hãng dầu lửa quốc gia Nga Rosneft với giá 9,1 tỷ USD vào năm 2017. Thương vụ này đưa CEFC trở thành cổ đông lớn thứ ba trong công ty dầu lửa niêm yết lớn nhất thế giới.
Doanh nhân Ye thành lập CEFC vào năm 2002 khi mới ngoài 20 tuổi. Năm 2015, công ty đạt doanh thu 41 tỷ USD, dù vào thời điểm đó ông Ye còn chưa tròn 40 tuổi.
Hầu hết các thương vụ ở nước ngoài của CEFC đều được cấp vốn bởi các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).