Chống buôn lậu, hàng giả: Người dân cần nói không với hàng hoá gian lận
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên các lĩnh vực, trên các tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế…
Tại Diễn đàn “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục quản lý thị trường, cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới để tối đa lợi nhuận thu được trong việc gian lận thương mại.
CÀNG THÁCH THỨC TRONG THỜI GIAN TỚI
Theo số liệu của Tổng cục quản lý thị trường, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).
Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng kết quả trên chưa phản ánh được thực trạng vi phạm trên thương mại điện tử do việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Hồng Chung, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cũng nhận định, trong năm qua, tình trạng buôn lậu, giạn lận thương mại diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa bàn có đường biên giới. Điển hình như Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang.
Các mặt hàng trọng tâm gồm thuốc lá điếu, đường cát, bia, rượu, thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, gỗ xây dựng và cả gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản... Ngoài ra, cũng có cả mặt hàng thuộc danh mục nhà nước cấm gồm ma túy, pháo nổ, động vật quý hiếm, hay một số mặt hàng mang tính chất đặc thù giá trị lớn như vàng và ngoại tệ.
Theo ông Lê, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái thời gian tới còn vô cùng khó khăn, thách thức. Do các đối tượng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm; hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm cũng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát trên môi trường mạng, thương mại điện tử. Các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng.
Trên tuyến biên giới, cửa khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn, chủ yếu các đối tượng mang vác thuê qua các đường mòn, lối mở…
CẦN SỰ PHỐI HỢP CƠ QUAN - DOANH NGHIỆP - NGƯỜI DÂN
Để công tác chống hàng giả, hàng lậu thực sự hiệu quả, ông Đỗ Hồng Chung cho rằng cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai các kế hoạch chuyên đề chống gian lận, buôn lậu hàng giả, hàng nhái.
Nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cấp, ngành một cách thường xuyên liên tục; kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh, liên tuyến, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.
Đồng thời, xử lý nghiêm túc những hành vi bao che, bảo kê tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, tăng cường tuyên truyền đến người dân doanh nghiệp về tác hại của những vấn đề này.
Đặc biệt, đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khuyến cáo, người dân cần nói không với hàng hoá gian lận. Đây là một công tác hữu hiệu trong công tác chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới.
Theo Đại Tá Chu Việt Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hóa chất 21 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Nghị định 137/2020/NĐ-CP đã cho phép người dân được sử dụng các sản phẩm pháo hoa chính hãng, an toàn được nghiên cứu và sản xuất.
Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này một số gian thương đẩy giá, làm giả, làm nhái sản phẩm pháo hoa của công ty. Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái chất lượng không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng.
Vì vậy, bên cạnh việc chủ động chống hàng giả bằng ứng dụng các công nghệ xác thực thông tin sản phẩm, ông Sơn cho rằng các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để phát hiện, ngăn chặn cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp làm giả, làm nhái các loại sản phẩm để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cũng như sức khoẻ người tiêu dùng.
Ông khuyến cáo người dân nên tìm hiểu và mua các sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng của Nhà máy để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn.