“Chống tham nhũng, áp dụng suy đoán có tội sẽ giống như đấu tố”
Quy định về cơ chế thu hồi tài sản bất minh khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục gây tranh cãi
"Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội như nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất là áp đặt và duy ý chí. Tôi e rằng nếu như vậy thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta có gì giống như quá trình đấu tố hay quy địa chủ trước đây", đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) phát biểu trong phiên thảo luận ngày 21/11, liên quan đến quy định về cơ chế thu hồi tài sản bất minh.
Được đặt ra ngay đầu phiên, chiều cùng ngày, quy định về cơ chế thu hồi tài sản bất minh khi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Trong khi có vị đại biểu cho rằng cần áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội, tức là nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì có có nghĩa là bất minh, thì vị khác lập luận làm như thế không hợp hiến.
Vấn đề cốt tử
Quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nhấn mạnh 10 năm qua, còn 55.000 tỷ chưa thu hồi được, nếu không nói là không thể thu hồi được.
Số tiền này cử tri đã có sự so sánh bằng số tiền ngân sách dự kiến bỏ ra để xây đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 và bằng số thu ngân sách trong vòng khoảng 5 năm của một tỉnh nghèo.
"Cử tri rất xót xa và bức xúc trước tình trạng muối bỏ bể đó và kỳ vọng sự bứt phá, một bàn tay thép trong thu hồi tài sản tham nhũng trong lần sửa đổi này", bà Hoàng Thị Thu Trang phản ánh và nhận xét dự thảo chưa có quy định bứt phá mà chỉ mới nhắc lại một số quy định của một số luật khác.
Cũng đồng tình hoàn thiện thể chế về thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề cốt tử, song vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, giải trình nguồn gốc tài sản là quyền của người có tài sản, còn chứng minh việc vi phạm hay tội phạm thì lại là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước.
Như vậy thì mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội mà Hiến pháp thừa nhận.
Điều này, theo đại biểu Trang, cũng phù hợp với thói quen sử dụng tiền mặt, thói quen dành dụm tích lũy từ đời này sang đời khác hay thói quen vay mượn, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống của người Việt Nam.
Ví dụ, đa số cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, thậm chí là nông dân hiện nay vẫn có thể mua đất xây nhà cao cửa rộng. Nguồn gốc tài sản có thể có hợp pháp hoặc không hợp pháp. Hợp pháp có thể từ lương thưởng, từ sự hỗ trợ của người thân hoặc do vay mượn, còn nếu bất hợp pháp thì có thể do tham nhũng hoặc do làm ăn phi pháp.
"Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội như nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất là áp đặt và duy ý chí, tôi e rằng nếu như vậy thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta có gì giống như quá trình đấu tố hay quy địa chủ trước đây", bà Trang nhìn nhận.
Nhấn mạnh lại trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản thuộc về cơ quan nhà nước, song đại biểu Trang cũng cho rằng cần có một quy định để cơ quan Nhà nước được tham gia sớm và tham gia sâu vào truy thu nguồn gốc tài sản, về phong tỏa, về kê biên và về thu hồi tài sản tham nhũng.
"Vấn đề này theo tôi phải có ý tưởng, phải được quy định thành một chương riêng, phải mạnh tay may ra mới hạn chế được câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi" như hiện nay", đại biểu Trang góp ý.
Tiến tới tất cả đảng viên đều kê khai tài sản
Cảm ơn đại biểu đã có nhiều ý kiến xác đáng, song phần giải trình cuối phiên thảo luận của Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái gần như không đề cập gì đến cơ chế thu hồi tài sản bất minh, dù có nói về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ông Khái nói, Chính phủ lựa chọn phương án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về minh bạch kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: tiến tới tất cả các đảng viên, cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản.
"Trung ương Đảng đã có hai lần chỉ đạo về việc tiến tới từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức", Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Theo ông Khái, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy nguyên nhân dẫn tới việc kiểm soát chưa hiệu quả không phải vì diện kê khai rộng, mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh được tài sản, thu nhập.
Do vậy, việc quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết nhằm hình thành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Đồng thời, cũng cần giao cho cơ quan, tổ chức có chức năng này thực hiện nhiệm vụ cụ thể, góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và đảm bảo tính khả thi.
Trước việc đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng kê khai, cơ quan, đơn vị kiểm soát, quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các kỳ họp tới.