08:43 10/11/2017

Chống tham nhũng: Không hiểu “kiểm soát xung đột lợi ích” là gì?

Nguyễn Lê

Nhiều nội dung mới chưa rõ ràng trong ự án Luật Phòng, chống tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương nhận xét

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (trái) phát biểu tại tổ.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương (trái) phát biểu tại tổ.

"Tôi đọc mãi không hiểu kiểm soát xung đột là cái gì, phục vụ gì cho việc phòng, chống tham nhũng?", Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9/11.

Cùng nhận xét với một số vị khác, ông Vương cho rằng dự thảo còn quá dài, nhiều nội dung rườm rà, nhất là những chương mục mới vừa bổ sung.

Chưa rõ ràng, chưa đầy đủ

Tờ trình của Chính phủ giải thích, xung đột lợi ích là tình huống phát sinh khi việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức bị tác động hoặc sẽ bị tác động bởi lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức đó. Tuy đây là một khái niệm mới nhưng trong luật hiện hành và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã có quy định. 

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc kiểm soát xung đột lợi ích trong phòng ngừa tham nhũng (loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng), dự thảo luật đã quy định thành một chế định riêng bao gồm các điều về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm soát xung đột lợi ích; thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích. (từ điều 28 đến điều 30).

Nội dung này nằm ở chương quy định về phòng ngừa tham nhũng, chương mà ông Vương cho rằng "hết sức quan trọng". Nhưng, ông đọc mãi cũng vẫn không hiểu kiểm soát xung đột là cái gì, phục vụ cho việc phòng, chống tham nhũng như thế nào. Nhiều nội dung mới đưa vào chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, vị tướng công an nhận xét.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương cần nhấn mạnh việc phòng rồi mới chống, còn khi có tham nhũng xảy ra thì trách nhiệm điều tra, xử lý đã thuộc cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra.

Ông Vương phân tích, thế nào là tham nhũng, thì luật đã nêu 12 hành vi, gần như cơ bản đã được đưa vào Bộ luật Hình sự, như các hành vi: tham ô, hối lộ, môi giới hối lộ, lạm dụng chức vụ... Vấn đề thứ hai của phòng, theo ông là xác định được đối tượng. 

"Thông thường từ trước nay chúng ta đều xác định là người có chức vụ, có quyền hạn, tức là có điều kiện để tham nhũng. Nhưng vừa qua kiểm tra ở một số địa phương, ngay cả nhân viên kế toán của trường cũng thông đồng với hiệu trưởng làm sai lệch để rút tiền, quyết toán khống. Trong quản lý kinh tế thì giữa ông trưởng và ông kế toán gắn bó với nhau. Nếu không có kế toán thì không thể lấy tiền ra. Do đó, quy định đối tượng thế nào thì phải rất cân nhắc", ông phát biểu.

Đặt nặng yếu tố phòng ngừa

Liên quan đến việc mở rộng đối tượng áp dụng ra khu vực ngoài Nhà nước - một trong số các vấn đề Chính phủ tách riêng để xin ý kiến, Thượng tướng Lê Quý Vương đồng ý phải đặt vấn đề này. Bởi vì với việc đổi mới, các đơn vị kinh tế nhà nước sẽ giảm, khu vực tư nhân tăng lên. Khu vực tư nhân lại tác động đến quản lý của Nhà nước.

Ông Vương nói: "Qua điều tra các vụ án về kinh tế, cũng dễ thấy có sự đan xen giữa những người hoạt động kinh tế với trách nhiệm của cơ quan quản lý, như khai thác cát sỏi, phá rừng, đất đai..."

"Tôi cho rằng muốn thành công trong phòng, chống tham nhũng thì minh bạch, công khai là yêu cầu số một, nhưng hình như trong văn bản này các đồng chí không đề cập. Các chương trình, dự án phải công khai, minh bạch chứ". 

"Ví dụ dự án BOT thì hình thức công khai, minh bạch là thế nào. Mặc dù chúng ta có đủ quy định về đấu thầu, nhưng trong quá trình đấu thầu vẫn hình thành các lợi ích nhóm, để hồ sơ thắng thầu hoàn toàn hợp lệ, nhưng bên trong đó là bắt tay nhau. Công khai minh bạch là cái cần đề cập rất sâu", Thượng tướng Lê Quý Vương nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị chú ý chuẩn hóa các quy định trong các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, tổ chức. 

"Ví dụ ngành công an chúng tôi, phải chuẩn hóa các quy định hoạt động, tuần tra, kiểm soát thế nào. Không bao giờ đối tượng đưa tiền tố cáo người nhận tiền cả, vì liên quan đến hoạt động của họ. Nếu có phản ánh, chúng tôi kiểm tra, căn cứ vào quy trình công tác, anh sai quy trình, tôi lập tức xử lý anh ngay".

Ngoài ra, ông Vương cho rằng cần quản lý chặt chẽ việc kê khai, kiểm soát thu nhập. Đã kê khai rồi nhưng phải kiểm soát đường đi của đồng tiền, tất cả các nhân viên Nhà nước phải thực hiện trả lương qua tài khoản, giao dịch qua tài khoản.

"Tại sao khi Trung Quốc kiểm tra những đối tượng bị xử lý về tham nhũng, thấy có rất nhiều tiền mặt trong nhà, vì luật của họ quy định chặt, mang tiền đi gửi không được, mua bất động sản, vàng bạc đều bị lộ", ông Vương nói.

Nhấn đi nhấn lại là phải đặt nặng yếu tố phòng ngừa, trong hàng loạt những cái không như: không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng... thì không thể tham nhũng phải là hàng đầu, Tướng Lê Quý Vương ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra là nên xem xét sửa luật quan trọng này trong 3 kỳ họp Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ.