16:10 24/06/2015

Chủ quyền quốc gia về không gian mạng là "không tưởng"

Nguyên Vũ

Nhiều ý kiến lo lắng về an toàn thông tin trên mạng tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 24/6

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">"Mỗi lần vào mạng đều có cảm giác về truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, cảm thấy bất an lắm”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">"Mỗi lần vào mạng đều có cảm giác về truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, cảm thấy bất an lắm”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ.</span>
"Đề nghị đưa khái niệm chủ quyền quốc gia về không gian mạng vào dự thảo luật, theo tôi là không tưởng", đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/6 của Quốc hội về dự án Luật An toàn thông tin.

Theo đại biểu Nhân, thế giới kỹ thuật số không có khái niệm về biên giới từ khi có Internet. Ngay cả khi chúng ta xây dựng hàng rào kiên cố để khẳng định chủ quyền thì việc mất cả ngôi làng trong đó mà không hề biết ai là kẻ lấy đi, lấy đi bằng cách nào hoàn toàn đã xảy ra trong môi trường mạng hiện nay, ông Nhân nói.

Khi thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cũng cho rằng kinh nghiệm xây dựng pháp luật tại những nước tiên tiến trên thế giới mà đã được tham khảo cũng chưa có quốc gia nào thực hiện tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng

Mặc dù vậy,  một số vị đại biểu vẫn đề nghị luật cần có quy định việc sẵn sàng thực thi các biện pháp tự vệ trong tình huống xảy ra những nguy hiểm đến an ninh quốc gia.

Như, quy định trong trường hợp đặc biệt cần đóng hoàn toàn hoặc hạn chế các cổng kết nối quốc tế nhằm ngăn chặn các truy cập từ phía ngoài vào các hệ thống trong nước.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng cũng là nội dung được nhiều vị đại biểu quan tâm.

“Một ngày tôi truy cập độ vài lần nhưng mỗi lần vào mạng đều có cảm giác về truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, họ cũng truy cập vào, thậm chí họ sử dụng thông tin của mình, sử dụng truy cập của mình vào những mục đích của riêng họ, cảm thấy bất an lắm”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chia sẻ.

Quan điểm của đại biểu Hùng là luật cần quy định về sự công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ để tránh thiệt hại cả về tài chính và tổn thất về lộ, lọt thông tin cho người sử dụng dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) bày tỏ sự thống nhất cao với nguyên tắc nêu trong luật là thông tin của cá nhân thì cá nhân phải bảo vệ trước, khi thông tin cá nhân được các cá nhân, tổ chức thu thập được sự đồng ý của cá nhân đó thì phải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, cá nhân, tổ chức thu thập thông tin, nhưng sử dụng sai mục đích ban đầu và làm phát tán thông tin cá nhân khi không được phép của người cung cấp thông tin.

Thực tế hiện nay cho thấy việc phát tán thông tin cá nhân đang xảy ra và gây những tác hại, khó truy trách nhiệm của các cá nhân hay tổ chức thu thập làm phát tán thông tin, đại biểu Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn cho rằng, trong các hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo luật cần bổ sung hành vi xử lý thông tin cá nhân, thông tin riêng trái pháp luật hoặc nhằm mục đích mua bán thông tin cá nhân, thông tin riêng.

Đặc biệt, các hành vi mua bán trao đổi, tặng, cho, cung cấp thông tin với mục đích kinh doanh, trái với ý muốn của chủ thể thông tin cần phải bị nghiêm cấm, ông Văn nhấn mạnh.

Để việc kiểm soát thông tin được trọn vẹn, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị luật cần đưa thêm quy định về chống thoái thác thông tin, đảm bảo mọi thông tin đều có thể truy nguồn, để hài hòa việc tôn trọng riêng tư cá nhân, nhưng đồng thời đảm bảo lợi ích chung. Quy định này sẽ làm giảm những luồng tin sai gây bất ổn trong xã hội, góp phần xây dựng nề nếp trao đổi thông tin văn minh hơn.

Hiện tượng nói sai, xuyên tạc có dụng ý hay không dụng ý trên mạng hiện nay đang phát triển rất mạnh, gây ra nhiều hậu quả, trong đó làm xói mòn văn hóa cộng đồng, gây mất niềm tin vào xã hội, gốc của vấn đề là chưa có một luật nào ghi rõ trách nhiệm về vấn đề này, ông Bình lập luận.

Nhìn tổng thể phạm vi điều chỉnh, nhiều vị đại biểu tán thành với đề nghị của cơ quan soạn thảo là đổi tên gọi của luật thành "Luật An toàn thông tin mạng" để bảo đảm tính thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và phù hợp với thực tiễn.