20:27 19/12/2018

Chủ tịch Huawei ngầm chỉ trích Mỹ sau vụ Giám đốc bị bắt

Diệp Vũ

Chủ tịch Huawei cảnh báo rằng việc đưa Huawei vào “danh sách đen” mà không có bằng chứng xác thực sẽ chỉ gây tổn hại cho ngành công nghiệp

Huawei được xem là công ty toàn cầu nhất của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.
Huawei được xem là công ty toàn cầu nhất của Trung Quốc - Ảnh: Reuters.

Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken Hu Houkun, ngày 18/12 đã có những phát biểu công khai lần đầu tiên kể từ Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ.

Theo tin từ Bloomberg, ông Hu cảnh báo rằng việc đưa Huawei vào "danh sách đen" mà không có bằng chứng xác thực sẽ chỉ gây tổn hại cho ngành công nghiệp và cản trở sự phát triển của công nghệ không dây tương lai trên toàn thế giới.

Đây là cuộc gặp gỡ báo chí đầu tiên của Huawei, công ty có trụ sở ở Thẩm Quyến, kể từ khi CFO Meng Wanzhou bị bắt ở Canada với cáo buộc của Mỹ cho rằng bà lừa dối nhiều ngân hàng khiến các định chế tài chính này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Meng hiện đã được tòa án Canada cho tại ngoại, nhưng đối mặt khả năng bị dẫn độ về Mỹ.

Vụ bắt vị nữ doanh nhân đã thổi bùng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ, đồng thời làm gia tăng mối lo ngại về vấn đề an ninh xung quanh các thiết bị Huawei - điều mà tập đoàn này luôn phủ nhận.

Sau vụ bắt bà Meng, một loạt nhà mạng lớn ở châu Âu, từ Orange tới BT Group và Deutsche Telecom đã bày tỏ mối lo về thiết bị Huawei. Trước đó, một loạt quốc gia gồm Australia, New Zealand và Mỹ đã ban lệnh cấm đối các thiết bị mạng viễn thông của Huawei.

Sự việc chưa từng có tiền lệ này diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng đối với Huawei - công ty với tham vọng đi đầu trong lĩnh vực mạng 5G trên toàn cầu. 5G là công nghệ không dây thế hệ mới được dự báo sẽ tạo sự kết nối sâu rộng giữa các thiết bị từ điện thoại thông minh (smartphone), nhà thông minh (smart home) tới xe hơi.

Trong cuộc họp báo nói trên, Huawei không đề cập trực tiếp đến vụ bà Meng, nhưng tái khẳng định rằng công ty tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ tin tưởng tòa án sẽ đưa ra phán quyết công bằng. Ngoài ra, Huawei cũng thách thức những bên có cáo buộc đối với công ty đưa ra những bằng chứng xác thực cho các cáo buộc đó.

"Một số quốc gia trong một số trường hợp hiếm hoi có phương pháp tiếp cận không bình thường", ông Hu phát biểu trước các nhà báo tại cơ sở sản xuất của Huawei ở Đông Quản.

"Họ đưa ra nỗi lo về công nghệ 5G, một vấn đề kỹ thuật của ngành, và biến đó thành những đồn đoán vô căn cứ nhằm vào một công ty cụ thể. Bất chấp những nỗ lực reo giắc nỗi sợ hãi về Huawei và sử dụng chính trị để can thiệp vào sự phát triển của ngành, chúng tôi tự hào nói rằng khách hàng tin tưởng chúng tôi", ông Hu nói.

Vụ bắt bà Meng bị xem là cuộc tấn công nhằm vào một trong những doanh nghiệp xuất sắc nhất Trung Quốc. Huawei, công ty được sáng lập bởi ông Nhiệm Chính Phi, cha bà Meng, được xem là công ty toàn cầu nhất của nước này.

Huawei có tham vọng trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất con chip và công nghệ 5G. Những bước tiến nhanh chóng của Huawei đã khiến Mỹ lo ngại.

Ông Hu nói vụ bà Meng chưa có ảnh hưởng trực tiếp gì đến hoạt động của Huawei, khẳng định dự báo công ty đạt doanh thu trên 100 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, Huawei cũng tuyên bố đầu tư ít nhất 2 tỷ USD để nâng cấp hệ thống phần mềm toàn cầu của công ty.