Chủ tịch Quốc hội: Cần xem điện ảnh như một ngành kinh tế mũi nhọn, có chính sách riêng
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải kết nối với ngành du lịch, ngành công nghiệp giải trí khác, tổ hợp vui chơi giải trí, công nghiệp dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật, thời trang...
Tiếp tục phiên họp thứ 3, sáng ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
3 VẤN ĐỀ CÒN NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh. Sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về chính sách phát triển điện ảnh, quản lý Nhà nước về điện ảnh, nhất là 3 vấn đề.
Thứ nhất, hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước có đấu thầu hoặc không đấu thầu. Chính phủ đề xuất không áp dụng phương thức đấu thầu, còn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng phải có hình thức đấu thầu bên cạnh hình thức đặt hàng và giao nhiệm vụ.
Thứ hai, việc quản lý phố biến trên không gian mạng. Chính phủ đưa ra hai phương án, lực chọn hậu kiểm hoặc tiền kiểm. Trong khi đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề xuất thêm phương án hậu kiểm kết hợp với tiền kiểm.
Thứ ba, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Dự thảo Luật đưa ra quy định về việc thành lập Quỹ, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ.
Về chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh, một số ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là các chính sách trong Dự thảo Luật còn phân tán, có nội dung diễn đạt chưa rõ; đề tài phim sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị còn khá rộng. Đề nghị lưu ý không giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung ưu đãi về tín dụng, thuế và phí vì thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Một số ý kiến khác đề nghị các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn để bảo đảm minh bạch, khả thi. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển điện ảnh phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đưa vào luật một số chính sách về xã hội hóa; huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; hỗ trợ sản xuất phim như một loại đầu tư rủi ro.
Về sản xuất, phát hành và phổ biến phim, có ý kiến đề nghị ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để khắc phục có hiệu quả một số tồn tại, hạn chế hiện nay, đáp ứng yêu cầu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam; đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định cấm tại Điều 10 Dự thảo Luật, để mở rộng thị trường xuất khẩu phim Việt Nam ra thế giới.
XÂY DỰNG NGÀNH ĐIỆN ẢNH NHƯ MỘT NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra được những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành. Đó là Luật Điện ảnh năm 2006 mới chỉ tiếp cận phim trên nền tảng điện ảnh truyền thống như sản xuất phim nhựa chứ chưa tiếp cận nền tảng công nghệ kỹ thuật số như hiện nay.
"Điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời liên quan đến các ngành văn hóa dịch vụ tổng hợp khác như du lịch. Thực tế cho thấy ngành điện ảnh ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... phát triển rất mạnh", Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng phim trường của bộ phim “Kong: Skull Island” tại Ninh Bình hay phim trường của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tại Phú Yên thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội tán thành với Chính phủ sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh, đồng thời lưu ý rằng phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ văn hóa nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, xây dựng như một ngành kinh tế mũi nhọn, có chính sách phát triển riêng.
"Cách tiếp cận này hoàn toàn đúng nhưng báo cáo thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, thích nghi với nền tảng công nghệ kỹ thuật số hiện nay, để đảm bảo vừa là loại hình nghệ thuật vừa là sản phẩm văn hóa", Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh và hỗ trợ phát triển công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn đồng tình và đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra tính toán thêm.
"Đây là 2 chính sách hay 1 chính sách? Thực tế có tách bạch được 2 vấn đề này hay không?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. gợi ý.
Nhấn mạnh ngành công nghiệp điện ảnh như một ngành văn hóa có tính tổng hợp liên ngành, kết nối với nhiều ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Dự án Luật phải thể hiện được vấn đề này như kết nối với ngành du lịch, ngành công nghiệp giải trí khác, tổ hợp vui chơi giải trí, công nghiệp dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật, thời trang... Đồng thời khi ban hành Luật này cần tính toán sự đồng bộ với các luật khác có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần quan tâm đầu tư phim trường, có chính sách khuyến khích đầu tư phim trường cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Liên quan đến vấn đề vốn trong hoạt động điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây có thể xem là loại đầu tư rủi ro, không thể gọi vốn thông thường như cho vay tín dụng thương mại, đề nghị cần xem xét, tính toán về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề nghị cần xem xét rõ hơn quy định nào thì đấu thầu, tiêu chí đấu thầu như thế nào, quy định nào thì giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Liên quan đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần áp dụng cả 2 loại phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng là cả tiền kiểm và hậu kiểm, không nên tách riêng 2 phương án này, không nên cực đoan chỉ chọn một phương án hoặc tiền kiểm hoặc hậu kiểm.
Cho rằng những nội dung Chính phủ đề xuất đều rất mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phổi hợp với nhau, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, học tập kinh nghiệm từ các nước có nền điện ảnh phát triển để xây dựng Luật Điện ảnh vừa đảm bảo đời sống tinh thần, giải trí cho nhân dân, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính Phủ có văn bản giải trình, tiếp thu gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội. Đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đúng quy định đến đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.