Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau phát biểu của ông Trump về Trung Quốc, Triều Tiên
Giới đầu tư cảm thấy bấp bênh về kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi giới đầu tư cảm thấy bấp bênh về kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Dẫn đầu sự giảm điểm của Phố Wall phiên này là các cổ phiếu năng lượng và công nghiệp.
Hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Donald Trump ngày 22/5 nói ông không hài lòng với cuộc đàm phán thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump cũng nói hai bên chưa đạt được thỏa thuận về công ty thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc.
Cách đây ít lâu, Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm, khiến công ty Trung Quốc phải dừng hầu hết các hoạt động chính. Lệnh trừng phạt này liên quan đến việc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Ngày 22/5, ông Trump cho biết Mỹ đang cân nhắc giảm bớt sự trừng phạt đối với ZTE, nhưng bù lại có thể phạt tiền và buộc công ty thay đổi bộ máy lãnh đạo.
Về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6, ông Trump nói có một "thay đổi lớn".
"Những phát biểu của ông Trump về Triều Tiên và về ZTE khiến các nhà đầu tư chuyển từ tâm trạng vui mừng của ngày hôm qua sang đối mặt với thực tế là vấn đề thương mại sẽ không được giải quyết nhanh chóng như nhiều người nghĩ", ông Robert Pavlik, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc SlateStone Wealth LLC ở New York, phát biểu. "Bởi vậy, thị trường lùi lại một chút".
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố vào cuối tuần rằng Mỹ-Trung nhất trí "tạm dừng" cuộc đối đầu thương mại và đang tìm cách để Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Nhóm cổ phiếu công nghiệp và nhóm cổ phiếu năng lượng cùng giảm 1,3% trong phiên này. Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng.
Cổ phiếu hãng xe điện Tesla giảm 3,3%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, sau khi tạp chí Consumer Reports ngày thứ Hai ra một báo cáo nói rằng mẫu xe Model 3 của hãng, dù có nhiều điểm tích cực, vẫn có "những khuyết điểm lớn". Trong đó, Consumer Reports nhấn mạnh vấn đề phanh xe.
Cũng trong ngày thứ Hai, Giám đốc điều hành (CEO) Elon Musk của Tesla nói vấn đề phanh có thể được khắc phục bằng nâng cấp phần mềm, và Consumer Reports nói sẽ thử lại phanh xe của Model 3. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu Tesla vẫn giảm mạnh vào ngày thứ Ba.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,72%, còn 24.834,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,31%, còn 2.724,44 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,21%, còn 7.378,46 điểm.
Cổ phiếu Micron Technology tăng 6,4% sau khi nhà sản xuất chip nhớ này công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD.
Nhóm cổ phiếu tài chính tăng 0,6% nhờ kỳ vọng về việc một dự luật nới lỏng các quy định giám sát ngành ngân hàng Mỹ có thể được thông qua trong tuần này.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 0,5% sau khi có cảnh báo từ hãng bán lẻ Kohl’s và nhà cung cấp phụ tùng ôtô Autozone. Cổ phiếu Kohl’s giảm 7,4%, gây sức ép giảm lên các cổ phiếu bán lẻ khác, sau khi công ty này dự báo tăng trưởng chậm lại trong nửa sau của năm nay.
Cổ phiếu Autozone sụt 9,5% sau khi công ty cảnh báo rằng chi phí sẽ tiếp tục ở mức cao do sức ép từ sự đi lên của tiền lương.
Cổ phiếu các nhà sản xuất thép tăng sau khi Mỹ tuyên bố đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mạnh tay đối với thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được vận chuyển từ Việt Nam.
Cổ phiếu các hãng xe Ford, GM và Fiat Chrysler tăng nhẹ sau khi Trung Quốc tuyên bố cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,49 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,33 lần.
Có khoảng 6,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phiên này, so với mức bình quân 6,6 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất - theo dữ liệu của Thomson Reuters.