Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì dữ liệu kinh tế xấu
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn sau những lạc quan trước đó về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, dưới sức ép từ dữ liệu kém khả quan về đầu tư xây dựng và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu y tế. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn sau những lạc quan trước đó về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Thống kê công bố ngày đầu tuần cho thấy chi tiêu xây dựng ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 12/2018 do đầu tư vào các dự án ở cả khu vực công và tư nhân cùng đi xuống. Số liệu này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã công bố cho quý 4.
Vào đầu phiên giao dịch, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm nhờ thông tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đạt một thỏa thuận thương mại tại một cuộc gặp dự kiến tổ chức vào khoảng ngày 27/3 - Reuters đưa tin.
Hy vọng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại đã giữ vai trò là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ cuối tháng 12, bên cạnh việc giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm dừng việc nâng lãi suất.
Dù đi xuống phiên này, chỉ số S&P 500 hiện vẫn tăng 11% từ đầu năm đến nay.
"Kỳ vọng này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những tháng đầu của năm 2019. Đó là một phần lý do vì sao chúng ta có một thị trường giá lên như vậy", hãng tin Reuters dẫn nhận định của chiến lược gia trưởng Alicia Levine thuộc BNY Mellon Investment Management.
"Thị trường vốn kỳ vọng một thỏa thuận Mỹ-Trung, nên đã có một chút hoạt động bán ra dựa trên tin tức vào ngày hôm nay", bà Levine nhận xét, và nói thêm rằng thị trường vẫn có thể tăng cao hơn nếu có một thỏa thuận được ký.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,79%, còn 25.819,65 điểm. S&P 500 giảm 0,39%, còn 2.792,81 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,23%, còn 7.577,57 điểm.
Theo giới phân tích, mốc 2.800 đang là một ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng mà S&P 500 cần phải vượt qua nếu muốn tăng cao hơn.
Vốn là nhóm yếu nhất trong S&P 500 từ đầu năm đến nay, nhóm y tế sụt 1,3% trong phiên này, trở thành nhóm cổ phiếu ngành giảm điểm mạnh nhất. Nguyên nhân khiến nhóm y tế giảm mạnh là thông tin hãng dược Purdue Pharma có thể sắp nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì áp lực từ các vụ kiện cáo buộc công ty này có liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid ở Mỹ.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,38 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,62 lần.
Có tổng cộng 7,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall trong phiên này, so với mức trung bình 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.