Chứng khoán Mỹ tăng sau 3 ngày giảm liên tiếp
Phiên này, nhà đầu tư lại “phập phồng” hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại chuỗi ba phiên giảm trước đó. Phiên này, nhà đầu tư lại "phập phồng" hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, trong khi những dữ liệu u ám về ngành sản xuất phủ bóng lên thị trường.
Vào tối ngày thứ Năm theo giờ Mỹ, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có một cuộc gặp vào giữa tháng 3 này để ký kết một thỏa thuận thương mại. Vào cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Dù khả năng Washington và Bắc Kinh đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại hiện chưa có gì chắc chắn, nhưng những thông tin này vẫn được giới đầu tư "bấu víu" như một hy vọng.
"Sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại đang chiếm ưu thế trước mối lo về dữ liệu ngành sản xuất xấu đi", chiến lược gia Ryan Detrick thuộc LPL Financial phát biểu.
Một cuộc khảo sát do tư nhân tiến hành cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 2 giảm tháng thứ ba liên tiếp. Số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 thấp hơn kỳ vọng.
Theo ông Detrick, trong bối cảnh có nhiều dữ liệu xấu như vậy, nhà đầu tư tin rằng một thỏa thuận Mỹ-Trung có thể sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,43%, đạt 26.026,32 điểm. S&P 500 tăng 0,69%, đạt 2.903,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,83 đạt 7.595,35 điểm.
Đây là phiên đầu tiên kể từ 8/11 chỉ số S&P 500 đóng cửa trên 2.800 điểm, một tín hiệu được nhiều chuyên gia cho là tốt.
Chỉ số này hiện chỉ còn thấp hơn 4,2% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 9 năm ngoái. Năm nay, chỉ số đã tăng 11,8% nhờ những hy vọng về thỏa thuận thương mại và lập trường mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 0,4%, Dow Jones giảm 0,02%, và Nasdaq tăng 0,9%. Tính đến tuần này, Nasdaq đã có 10 tuần tăng liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ cuối năm 1999.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 8 nhóm tăng giá phiên này. Trong đó, nhóm y tế với mức tăng 1,4% là nhóm đóng góp nhiều nhất vào sự đi lên của toàn chỉ số. Nhóm năng lượng tăng 1,8% dù giá dầu giảm.
Trên sàn NYSE, số mã tăng giá nhiều gấp 1,79 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,86 lần.
Có tổng cộng 7,95 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,27 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.