Chứng khoán Mỹ tụt dốc vì nỗi lo tăng trưởng, thương mại
Giới đầu tư Phố Wall bi quan về tình hình thương chiến Mỹ-Trung và dữ liệu xấu về ngành sản xuất của Mỹ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế sau dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm. Việc Mỹ và Trung Quốc áp thuế mới lên hàng hóa của nhau vào cuối tuần vừa rồi cũng gây sức ép lên các chỉ số.
Theo tin từ Reuters, trong phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài, giới đầu tư ở Phố Wall bán khá mạnh các tài sản rủi ro. Việc Mỹ-Trung chưa công bố ngày nối lại đàm phán thương mại khiến thị trường giảm hy vọng về một giải pháp sớm cho thương chiến đã kéo dài một năm rưỡi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tâm trạng bi quan gia tăng sau khi Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tụt xuống mức 49,1 điểm, so với mức dự báo 51,1 điểm. Việc chỉ số này ở dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ suy giảm trong kỳ báo cáo. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2016 ngành sản xuất của Mỹ co lại.
"Dữ liệu này là một tín hiệu cho thấy thuế quan mới đã được áp vào một thời điểm không thể tệ hơn. Tin xấu chồng lên tin xấu. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư đang ngóng chờ tin đàm phán", Giám đốc Alec Young thuộc FTSE Russell nhận xét.
"Không chỉ kỳ vọng về một thỏa thuận Mỹ-Trung đang suy giảm, mà thị trường còn thất vọng khi thấy hai bên thậm chí còn chưa nhất trí được về ngày đàm phán", ông Young nói.
Ông Young cũng đề cập đến bất ổn gia tăng xung quanh Brexit như một mối lo lớn đối với nhà đầu tư. Quốc hội Anh ngày 3/9 đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu nhằm ngăn chặn Thủ tướng Boris Johnson theo đuổi một Brexit không có thỏa thuận. Diễn biến này có thể dẫn tới việc ông Johnson công bố bầu cử sớm vào ngày 14/10.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1,08%, còn 26.118,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,69%, còn 2.906,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 1,11%, còn 7.874,16 điểm.
Cổ phiếu công nghiệp - những doanh nghiệp nhạy cảm với thương chiến - giảm 1,4%, trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500.
Cổ phiếu công nghệ giảm 1,3% dưới sức ép của nhóm con chip - những công ty có mức độ phụ thuộc cao vào doanh thu từ Trung Quốc. Chỉ số Philadelphia Semiconductor của cổ phiếu con chip giảm 1,8%.
Cổ phiếu hãng chế tạo máy bay Boeing sụt 2,7%, gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm thứ Sáu nói rằng một ủy ban chuyên gia toàn cầu cần có thêm thời gian vài tuần để rà soát chứng nhận an toàn đối với dòng tàu bay 737 Max.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá trong phiên này nhiều gấp 1,6 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,5 lần.
Có tổng cộng 6,72 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall, so với mức bình quân 6,99 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.