10:42 30/07/2007

Ai bảo vệ cổ đông nhỏ?

Nếu xem mỗi cổ đông là chủ nhân một phần của doanh nghiệp thì những cổ đông nhỏ lẻ là những ông chủ thấp cổ bé miệng

Tiến trình xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ cổ đông thiểu số dường như đang diễn ra chậm chạp.
Tiến trình xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ cổ đông thiểu số dường như đang diễn ra chậm chạp.
Một trong những nguyên nhân làm Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay là sự non kém trong bảo vệ cổ đông thiểu số.

Trên thực tế, tiến trình xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ cổ đông thiểu số dường như đang diễn ra chậm chạp.

Nếu xem mỗi cổ đông là chủ nhân một phần của doanh nghiệp thì những cổ đông nhỏ lẻ là những ông chủ thấp cổ bé miệng nên chưa có được sự tôn trọng cần thiết.

Họ cũng là những người đóng góp tài chính vào doanh nghiệp, tuy nhiên quyền lợi của họ chưa được đảm bảo đầy đủ khiến những chủ nhân nhỏ này chịu nhiều thiệt thòi khi những chủ nhân lớn gây sức ép.

Những ông chủ thấp cổ bé miệng

Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải và Thương mại (Vinalink) khi tăng vốn từ 36 tỉ đồng lên 90 tỉ đồng đã đề ra phương án bán 162.000 cổ phiếu cho Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương Tp.HCM (Vinatrans) với giá bằng mệnh giá 100.000 đồng. Tuy nhiên lúc đó giá thị trường của Vinalink là 1.500.000 đồng/cổ phiếu.

Việc bán cổ phiếu với giá quá thấp so với giá trị thực này đã khiến cổ đông của Vinalink bất bình và phản đối. Tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn là giá cổ phiếu Vinalink đem bán cho Vinatrans chỉ được tăng lên thành 150.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 10% so với giá thị trường.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Sài Gòn - Savico (SVC) cũng đã từng gây xôn xao dư luận khi cho cán bộ lãnh đạo mua cổ phiếu ưu đãi với giá 30.000 đồng trong khi đó giá thị trường là 118.000 đồng.

Trong sự việc này, bên mua là lãnh đạo SVC đã hưởng lợi nhuận lớn, đồng thời phía chịu thiệt chính là những cổ đông nhỏ lẻ. Và dù những cổ đông nhỏ lẻ phản đối, nhưng với ưu thế cổ đông nhà nước và cổ đông là nhân viên Savico chiếm đa số vốn điều lệ nên việc này vẫn được “đa số” thông qua.

Trong phương án tăng vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VIPCO) cho phép cổ đông lớn mua với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, còn các cổ đông nhỏ lại phải mua với giá 40.000 đồng/cổ phiếu (cao gấp 2,67 lần so với cổ đông lớn).

Có thể nói trong những trường hợp như trên, những nguyên tắc cơ bản và quyền lợi cơ bản của cổ đông đã bị vi phạm. Kẽ hở pháp lý tạo ra sự phân chia không công bằng này dẫn tới việc lạm quyền từ một số cá nhân nhằm chiếm một phần tài sản doanh nghiệp về cho lãnh đạo hoặc những cổ đông lớn, tước đi một phần tài sản của cổ đông nhỏ.

Khoảng trống luật pháp

Thực tế không hiếm trường hợp thành viên hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp có được những ưu tiên về quyền mua cổ phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi nhằm thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những quyền lợi này phải được thực hiện theo quy định pháp luật rõ ràng. Theo Luật Chứng khoán của Australia, Uỷ ban Chứng khoán và Đầu tư (Australian Sercurities and Investments Comission - ASIC) sẽ xem xét những trường hợp ưu ái cổ đông lớn. Nếu sự ưu ái đó bị những cổ đông nhỏ phản đối, ASIC sẽ phải vào cuộc để đòi lại sự công bằng cho cổ đông.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có vụ việc nào được đưa ra phân xử, tạo ra tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi cho một nhóm cổ đông.

Trường hợp chứng chỉ quỹ VF1, Công ty Liên doanh Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) giảm giá phát hành mà không thay đổi ngày chốt quyền khiến nhiều cổ đông nhỏ bị thiệt thòi, những cổ đông này lập tức lên tiếng khiến dư luận chú ý. Cuối cùng ban lãnh đạo VFM phải huỷ quyết định giảm giá.

Đây là một sự kiện cho thấy cổ đông nhỏ khi biết liên kết sẽ đảm bảo được phần nào sự công bằng và lợi ích mà mình đáng được hưởng. Điều đó cho thấy nếu những cổ đông nhỏ hiểu biết luật pháp nhằm tự bảo vệ mình, đồng thời phía cơ quan quản lý cũng có những động thái mạnh dạn, quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Những hình thức bán cổ phiếu ưu đãi cho những cổ đông lớn ở các nước phát triển thường được quy định đi kèm một loạt nghĩa vụ, như họ phải cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, thơi gian cho đến khi có được thực hiện quyền mua cổ phiếu phải làm tròn nhiệm vụ của mình, không bán quyền mua v.v…

Quyền lợi của các cổ đông nhỏ chỉ được đảm bảo khi những quy định về minh bạch thông tin, minh bạch tài chính lãnh đạo phải được quy định chặt chẽ. Trong khi đó, chi phí trong việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ cốt cán và cổ đông lớn của nước ta vẫn chưa được quy định rõ ràng.