07:06 25/10/2014

Chọn kênh đầu tư an toàn: Quỹ ETF là lựa chọn tốt

Khánh Hà

Quỹ ETF nội thứ hai đã ra mắt, nhưng để hấp dẫn cộng đồng đầu tư nói chung là cả vấn đề nan giải

Nhà đầu tư nghiên cứu tài liệu giới thiệu quỹ SSIAM HNX30.
Nhà đầu tư nghiên cứu tài liệu giới thiệu quỹ SSIAM HNX30.
Ngày 27/10 tới, quỹ ETF nội thứ hai do Công ty Quản lý tài sản SSI (SSIAM) quản lý sẽ chính thức gọi vốn. Đây là quỹ ETF đầu tư bám sát chỉ số HNX30.

Nhà đầu tư có thêm lựa chọn nữa cho dòng vốn thụ động, nhưng từ những gì mà E1VFVN30 thể hiện trong 3 tuần đầu chào sàn, còn rất nhiều việc phải làm để có thể thu hút sự chú ý của dòng vốn này.

Thanh khoản quá thấp

Quỹ ETF có hai dạng giao dịch chính, một là giao dịch hoán đổi danh mục theo lô tối thiểu 100.000 chứng chỉ quỹ. Giao dịch dạng này thường dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Dạng thứ hai là khớp lệnh trên sàn với các quy định như đối với cổ phiếu, thuận lợi cho nhà đầu tư cá nhân với số vốn hạn chế. Giá hoán đổi luôn bám sát giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ, trong khi giá niêm yết phụ thuộc vào cung cầu từng thời điểm và có thể cao hơn hoặc thấp hơn NAV, nhưng thường không quá lớn.

Thanh khoản của chứng chỉ ETF thường được đề cập là khối lượng khớp lệnh hàng ngày trên sàn. Thanh khoản này càng cao càng tạo sự linh hoạt cho nhà đầu tư. Mặc dù nguồn vốn đầu tư vào ETF thường là nguồn vốn dài hạn và thụ động, nhưng đối với nhà đầu tư cá nhân, khớp lệnh thẳng trên sàn gần như là kênh duy nhất để có thể rút vốn khỏi ETF.

Sau 3 tuần niêm yết, E1VFVN30 thể hiện một mức thanh khoản khá thất vọng. Điều này không liên quan trực tiếp đến mức tăng trưởng của quỹ, mà chủ yếu xuất phát từ việc còn rất ít nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến chứng chỉ quỹ này.

Thống kê cho thấy trừ phiên giao dịch chào sàn ngày 6/10, E1VFVN30 được khớp lệnh hơn 1 triệu chứng chỉ, 13 phiên còn lại chỉ khớp lệnh trung bình hơn 124.000 chứng chỉ mỗi phiên. Thậm chí có những ngày quỹ chỉ giao dịch quanh 10.000 đơn vị.

Theo báo cáo mới nhất đến ngày 22/10, NAV của E1VFVN30 chỉ ở mức 9.870,32 đồng cho một chứng chỉ quỹ. Như vậy chỉ trong 14 phiên niêm yết, NAV của quỹ này đã giảm khoảng 3,75%.

Tính theo giá giao dịch đến này 22/10, E1VFVN30 đang giao dịch ở mức giá dưới NAV khoảng 0,72% (discount). Mức discount lớn nhất là 1,91% vào ngày 10/10 vừa qua. Mức chênh lệch này càng lớn theo hướng âm càng thể hiện mức kỳ vọng thấp vào tăng trưởng giá của chứng chỉ quỹ.

Mặc dù vậy, thường mức chênh lệch sẽ không quá lớn do các giao dịch hoán đổi (abitrage) do các thành viên lập quỹ thực hiện. Trong 3 tuần qua, E1VFVN30 đã thực hiện 2 lần giao dịch hoán đổi, trong đó có một lần Công ty Chứng khoán HSC thực hiện hoán đổi cổ phiếu cơ cấu lấy 1,6 triệu chứng chỉ quỹ và một lần hoán đổi 1 lô chứng chỉ quỹ lấy rổ cổ phiếu cơ cấu.

Hiện khối lượng lưu hành của E1VFVN30 đang cao hơn lượng niêm yết chào sàn 1,5 triệu chứng chỉ.

Việc tăng khối lượng chứng chỉ hiểu đơn giản là quỹ đã huy động thêm được tiền. Do ETF là loại hình quỹ mở nên dòng vốn có thể vào ra liên tục (thông qua các giao dịch hoán đổi).

Quỹ thu hút được tiền có thể hiểu là mức kỳ vọng hoặc hấp dẫn của thị trường tăng lên và nhà đầu tư chấp nhận rót vốn nhiều hơn. Theo dõi biến động dòng vốn của ETF cũng là một cách gián tiếp đánh giá kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường. Tuy vậy, E1VFVN30 chưa có đủ thời gian để chứng minh yếu tố này.

Một yếu tố nữa cũng hơi thất vọng với E1VFVN30 là mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khá thấp. Quỹ này chuyên đầu tư vào rổ VN30, được cho là cách gián tiếp giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu các cổ phiếu hết room.

Tuy nhiên mới có duy nhất một giao dịch thỏa thuận gần 4,38 triệu chứng chỉ được khối ngoại thực hiện. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn rất thấp. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với quỹ đang ở mức 20,6%.

SSIAM HNX30 có tạo được khác biệt?

Quỹ ETF nội thứ hai lựa chọn bám sát chỉ số HNX30 chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng từ thực tế giao dịch của quỹ E1VFVN30. Tuy nhiên, một chút khác biệt giữa hai quỹ này cũng có thể khiến nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn.

Do loại hình quỹ ETF đầu tư thụ động, chỉ quan tâm đến việc bám sát biến động của chỉ số, nên về mặt lý thuyết, chỉ số càng có biến động tốt thì triển vọng tăng NAV của quỹ càng cao. Về mặt này, HNX30-Index đang có sự vượt trội so với VN30-Index.

Cụ thể, so sánh biến động trong 3 tháng gần đây, HNX30-Index có sự tăng trưởng 14,8%, trong khi VN30-Index chỉ tăng trưởng 4,7%. Trong một năm gần nhất, HNX30-Index tăng trưởng 62,1% thì VN30-Index tương ứng chỉ tăng trưởng 21,3%.

Hiểu một cách đơn giản, do NAV của quỹ ETF bám sát chỉ số, nên tốc độ tăng của chỉ số càng cao thì giá trị của quỹ càng cao. Thị giá chứng chỉ quỹ cũng bám sát NAV của mỗi đơn vị quỹ, nên cũng tăng theo. Dĩ nhiên chiều ngược lại cũng đúng, vì quy luật cơ bản rủi ro cao/lợi nhuận cao luôn tồn tại.

Điểm khác biệt nữa là chiến lược đầu tư. Về cơ bản, các quỹ ETF có chiến lược đầu tư thụ động, tức là cứ ôm một danh mục cổ phiếu cơ cấu sao cho bám sát nhất biến động chỉ số. Thị trường chứng khoán Việt Nam lại chưa có các công cụ phái sinh để phòng vệ trong trường hợp chỉ số giảm nên quỹ chỉ có thể “cắn răng” nhìn tài sản giảm.

Nếu có các công cụ phòng vệ, chẳng hạn hợp đồng tương lai chỉ số, thì quỹ có thể bán hợp đồng này, lấy lợi nhuận từ giao dịch để bù đắp vào mức thiệt hại do NAV giảm theo chỉ số. Công cụ này ít nhất phải chờ tới cuối 2015.

Quỹ  SSIAM HNX30 có một chiến lược linh hoạt hơn một chút: Tùy từng thời điểm quỹ này sẽ áp dụng phương pháp mô phỏng toàn bộ hay mô phỏng một phần rổ cổ phiếu HNX30.

Mô phỏng toàn bộ là quỹ sẽ đầu tư 100% hoặc gần như 100% vào rổ cổ phiếu chính thức của HNX30 để bám sát nhất biến động chỉ số. Mô phỏng một phần là quỹ có thể chỉ đầu tư 95% vào rổ cổ phiếu chính thức, còn lại 5% sẽ đầu tư vào các cổ phiếu nằm trong rổ dự phòng của HNX30, hoặc có thể thay đổi tỷ trọng đầu tư vào từng mã của rổ chính thức để đạt hiệu quả cao nhất.

Chiến lược này cũng được hưởng lợi từ biến động rộng hơn của quy định về mức sai lệch tối đa (tracking error) do hai sở quy định. HNX cho phép sai lệch tối đa tới 15% so với chỉ số, trong khi HSX chỉ cho phép 10%.

Chiến lược đầu tư linh hoạt này có thể tạo khác biệt, vì các cổ phiếu cụ thể luôn có biến động tăng giảm mạnh hơn so với chỉ số. Giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh hơn chỉ số hoặc tăng đầu tư vào cổ phiếu có triển vọng tăng mạnh hơn chỉ số góp phần cải thiện NAV của quỹ so với biến động của chỉ số. Mặt khác, khi quy mô của quỹ tăng lên thì mức phần trăm nhỏ cũng có thể là nguồn vốn tốt.

Một khác biệt nhỏ nữa là chi phí. Đối với các chiến lược đầu tư gần giống nhau, thậm chí khi nhiều quỹ ETF cùng bám sát một chỉ số, thì khác biệt duy nhất để hấp dẫn nhà đầu tư chỉ có thể là chi phí.

SSIAM HNX30 ra đời sau đã ấn định mức phí quản lý thấp hơn một chút, chỉ 0,5% NAV/năm, so với E1VFVN30 là 0,65% NAV/năm. Ngoài ra HNX cũng đưa ra mức phí quản lý và vận hành chỉ số tham chiếu khá “cạnh tranh”: cố định 2 triệu đồng/tháng so với 0,02% NAV/năm hoặc tối thiểu 50 triệu đồng/năm của HSX.

Phí tính iNAV ở HNX cũng cố định 2 triệu đồng/tháng so với 0,02% NAV/năm và tối thiếu 50 triệu đồng/năm ở HSX.

Thực tế khác biệt về chi phí là không lớn đối với quỹ ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên nếu quy mô quỹ tăng lên thì chênh lệch sẽ rộng hơn. Đại diện cả hai quỹ ETF đều cho rằng, quy mô quỹ phải trên 500 tỷ đồng mới đủ trang trải chi phí.

Quỹ SSIAM HNX30 nhắm đến các cổ phiếu trong rổ HNX30, không có rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do đó có thể mức hộ hấp dẫn dòng vốn ngoại không nhiều như E1VFVN30. Tuy nhiên vẫn có thể dòng vốn nước ngoài lựa chọn trong trường hợp chỉ quan tâm đến phân bổ vốn theo thị trường và cần một danh mục đầu tư đa dạng hóa, thay vì các cổ phiếu cụ thể.

Với thực trạng của E1VFVN30, quỹ SSIAM HNX30 cũng ít cơ hội tạo đột biến trong giao dịch. Hạn chế chung mang tính thị trường, là nhận thức cũng như mối quan tâm của công chúng đầu tư bình thường với loại hình quỹ này còn rất thấp.

Đối với nhà đầu tư bám sàn, sẽ rất khó tưởng tượng khả năng nắm giữ một chứng chỉ quỹ phải chịu các biến động không phòng vệ được trong xu thế giảm và đạt một hiệu suất lợi nhuận quá thấp trong xu thế tăng. Sức hấp dẫn của lợi nhuận hàng chục phần trăm, thậm chí tính bằng lần ở các cổ phiếu cụ thể là rất khó cưỡng.

Tuy nhiên với dòng vốn thụ động, đặc biệt là các chiến lược đầu tư an toàn, quỹ ETF sẽ là lựa chọn tốt. Dạng quỹ này là lựa chọn thay thế tốt cho các kênh khác, chẳng hạn tiền gửi ngân hàng.

Mức độ an toàn, rủi ro thanh khoản là chấp nhận được, trong khi nắm giữ dài hạn (chẳng hạn tương đương kỳ hạn gửi 1 năm hoặc lâu hơn) có triển vọng đạt lợi suất tốt hơn. Đối với mục tiêu đầu tư dài hạn tính bằng nhiều năm, tăng trưởng của chỉ số chứng khoán là ổn định, chỉ trừ các trường hợp khủng hoảng lớn.