16:56 31/08/2016

Chứng khoán chiều 31/8: Khối ngoại tưng bừng xả VCB

Lan Ngọc

Các blue-chips đã mạnh lên đáng kể trong chiều nay và hầu hết cổ phiếu tăng giá cao hơn. VN-Index đã thoát được ra khỏi nhịp độ trì trệ buổi sáng

VN-Index được đẩy lên mặt bằng điểm số cao hơn trong chiều nay, nhưng vẫn không bứt phá rõ rệt được.
VN-Index được đẩy lên mặt bằng điểm số cao hơn trong chiều nay, nhưng vẫn không bứt phá rõ rệt được.
Các blue-chips đã mạnh lên đáng kể trong chiều nay và hầu hết cổ phiếu tăng giá cao hơn. VN-Index đã thoát được ra khỏi nhịp độ trì trệ buổi sáng, nhưng vẫn chưa thể bứt phá rõ hơn được.

Nguyên nhân là do chỉ có mình VNM đẩy VN-Index lên ở nhóm trụ. VIC đã “thất thủ” và đành đứng im ở tham chiếu. Trong khi đó VCB vẫn giảm quá mạnh, MSN cải thiện không được bao nhiêu. Hai cổ phiếu này giảm tương ứng 2,7% và 1,43%, cộng thêm BID giảm 0,61%, BVH giảm 0,8%, GAS giảm 0,78%.

Với đủ cả nhóm vốn hóa lớn tụt giảm, VNM dù có mạnh mấy cũng không thể kiến tạo điểm số tốt hơn được. VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,29%. Thực ra so với phiên sáng, mức tăng này đã là tốt vì cuối phiên sáng chỉ số này đang giảm 0,08%.

So với phiên sáng, rổ VN30 có tới 13 mã tăng giá, 6 cổ phiếu thấp hơn. Điều đó cho thấy các blue-chip đã có tiến triển tốt hơn. Độ rộng toàn thị trường lúc đóng cửa cũng rất tốt với 247 mã tăng/159 mã giảm.

Nhìn vào biến động giá chiều nay, VNM cũng là cổ phiếu xuất sắc nhất. Tăng tới 3 bước giá so với phiên sáng, VNM chính thức có đỉnh giá mới trong lịch sử và đóng cửa trên tham chiếu 2,63%. Để đi được 3 bước giá này, VNM đã giao dịch 188,9 tỷ đồng.

Phần rất lớn giao dịch này của VNM là do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Chiều nay nhà đầu tư trong nước gần như né qua một bên để khối ngoại giành sân khấu. VNM bị khối này xả ra thêm 1,07 triệu cổ nữa nhưng đồng thời cũng mua thêm gần 1,16 triệu cổ. Tính ra lượng mua chiếm 95% thanh khoản VNM buổi chiều và lượng bán chiếm 88%. Chung cuộc thì VNM vẫn bị bán ròng nhẹ.

VCB chiều nay là một bản sao ngược của VNM, bị khối ngoại bán ra thêm tới 1,12 triệu cổ phiếu. Lượng bán này chiếm trên 85% giao dịch của VCB. Trong khi đó, khối ngoại mua hỗ trợ rất yếu. Gần như nhà đầu tư trong nước phải nai lưng ra đỡ khối lượng xả lớn này của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu nhìn từ góc độ đó, việc VCB không sụt giảm thêm giá nào so với phiên sáng lại là thành công.

Tổng hợp cả phiên hôm nay, khối ngoại xả VCB qua khớp lệnh tới 112,1 tỷ đồng, chiếm 79% giao dịch. Mức rút vốn là 107,4 tỷ đồng, lớn nhất thị trường. Đây cũng là mức rút vốn kỷ lục tại VCB kể từ đầu năm.

Tuy nhiên điều may mắn là đã không có thêm giao dịch rút vốn quá lớn nào khác. VNM bị bán tới 188,4 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, nhưng cũng được mua 186,6 tỷ đồng. Xét theo mức ròng, chỉ có PVD là lớn đáng kể sau VNM, với -11,9 tỷ đồng ròng.

Phía mua, HPG và GAS bù đắp rất tốt cho VCB. HPG được mua ròng 41,5 tỷ đồng. GAS là 11,7 tỷ đồng. Thêm HSG với +10 tỷ đồng đã cân bằng đáng kể. Tính chung sàn HSX chỉ bị bán ròng 30,7 tỷ đồng và rổ VN30 rút ròng 29,8 tỷ đồng, rất nhỏ so với tuần trước.

Tổng hợp hai sàn, khối ngoại giải ngân 445,4 tỷ đồng, tăng 52% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ đầu năm sau các phiên tái cơ cấu ETF. Quy mô bán ra đạt 465,5 tỷ đồng, tăng 21%. Như vậy khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Các giao dịch thỏa thuận là cân bằng nội khối.