15:20 15/08/2008

Chứng khoán ngày 15/8: Bán là thiệt?

Lan Ngọc

Thị trường đi lên mạnh mẽ, khối lượng giao dịch giảm mạnh. Bán ra trong thời điểm này sẽ thiệt với xu hướng?

Xu hướng tiếp tục đi lên của thị trường đang là kỳ vọng chung - Ảnh: Việt Tuấn.
Xu hướng tiếp tục đi lên của thị trường đang là kỳ vọng chung - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường đi lên mạnh mẽ, khối lượng giao dịch giảm mạnh. Bán ra trong thời điểm này sẽ thiệt với xu hướng?

Một phiên giao dịch không nằm ngoài dự tính: chứng khoán đồng loạt tăng giá trần, dư mua lớn và dư bán hạn chế.

99% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên sàn Tp.HCM phiên hôm nay đều đồng loạt tăng giá trần. Cột dư bán luôn duy trì trạng thái trống trên bảng điện tử. Các lệnh bán nhỏ giọt tung ra đều bị khớp gọn. Tình thế hiện này nghiêng hẳn về bên bán, lợi thế đang thuộc về những người nắm giữ chứng khoán.

Diễn biến trên có từ tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư sau những tin tốt và có trọng lượng. Lợi thế nghiêng hẳn về bên bán cũng là lý do khiến khối lượng giao dịch hôm nay giảm mạnh, còn một nửa so với phiên hôm qua (14/8). Điều này đi cùng với nhận định có ở nhiều nhà đầu tư, rằng bán ra lúc này có thể thiệt, “hớ” với những mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn.

Cụ thể, trong đợt 1 chỉ có 3,9 triệu đơn vị được giao dịch, giảm 1 triệu đơn vị so với cùng thời điểm của phiên liền trước. Đợt hai, khối lượng tiếp tục bị kìm nén khi chỉ còn gần 8 triệu đơn vị. Và kết thúc phiên, tổng cộng có 10,6 triệu đơn vị giao dịch thành công, giảm 50% so với những phiên kể từ đầu tuần. Giá trị giao dịch cũng chỉ còn 385 tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy một phần niềm tin của nhà đầu tư vào đà tăng giá trong những phiên tới, khi hiệu ứng của sự kiện giảm giá xăng dầu và nới biên độ tiếp tục chuyển nhiệt vào sàn. Tuy nhiên, một tình thế đồng loạt tăng giá không kể tốt xấu, thanh khoản nén chặt lại là hạn chế hiện tại của thị trường.

Trên bảng điện tử hôm nay chỉ còn lại hai mã giảm giá; riêng TPC của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng thực hiện ngày giao dịch không hưởng quyền, đạt giá trần, điều chỉnh giảm 9.200 đồng/cổ phiếu so với phiên trước.

Còn lại không có bất kỳ mã nào bỏ lỡ cơ hội lên giá, đồng loạt tăng giá trần và dư mua khối lượng lớn, dư bán gần trống tuyệt đối.

Với diễn biến trên, VN-Index tăng mạnh ngay từ đầu phiên và duy trì tốc độ đến thời điểm đóng cửa giao dịch. Chỉ số này hiện đã tiếp cận gần đỉnh 489,83 điểm của ngày 17/7 vừa qua, đạt 488,94 điểm, tăng 12,44 điểm. Với sức tăng và lợi thế thông tin hỗ trợ hỗ trợ hiện nay, hàn thử biểu của thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ hội tái lập mốc 500 điểm trong những phiên tới.

Xét về yếu tố hỗ trợ, hiện thông tin giảm giá xăng dầu và nới biên độ giao dịch vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Xu hướng tiếp tục đi lên của thị trường đang là kỳ vọng chung. Nhưng, phiên đầu tuần tới, ngày 18/8, thị trường chính thức bước vào biên độ rộng hơn, tình thế có thể sẽ thay đổi với tính thăm dò trong phiên khởi đầu này; đặc biệt giá chứng khoán đã có điều kiện để biến động mạnh hơn, khó lượng hơn.

Liên quan đến các tin tốt hỗ trợ thị trường thời điểm này, trong hai ngày gần đây, tại một số sàn giao dịch đã xuất hiện tin đồn mở “room”, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam từ 30% lên 35%. Nếu sự kiện này có trên thực tế sẽ góp phần tạo thêm hiệu ứng sôi động cho thị trường. Nhưng, sáng nay lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tính xác thực của tin đồn này.

Ngoài hai sự kiện nổi bật nhất là giá xăng dầu và nới biên độ, tại hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM, kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp đã bắt đầu hé mở. Đó là những kết quả khả quan và có ở những doanh nghiệp chủ sở hữu những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn trên sàn, như VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, TYA của Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam…

Với kết quả kinh doanh nói trên, bước đầu những doanh nghiệp đó tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư, và cũng là một yếu tố có giá trị nhất định góp phần thúc đẩy thị trường.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index cũng có một phiên bật mạnh với sự góp sức hết mình của giá cổ phiếu niêm yết tại đây; mức tăng lên tới 5,08 điểm (3,47%), đạt 151,65 điểm. Tín hiệu kìm bán ra cũng thể hiện rõ khi khối lượng giao dịch giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với phiên giao dịch hôm qua, 3 triệu đơn vị với 116 tỷ đồng. Dư mua giá trần còn khối lượng lớn trong khi dư bán trống hẳn trên bảng điện tử.

Giá 99% cổ phiếu niêm yết tại đây đều đồng loạt tăng mạnh, phần lớn tăng hết khả năng cho phép. Kết thúc phiên chỉ còn lại duy nhất 1 mã giảm là CTC của Công ty Cổ phần Văn hóa du lịch Gia Lai (giảm 700 đồng/cổ phiếu), duy nhất 1 mã không có giao dịch với cái tên quen thuộc HSC của Công ty Cổ phần Hacinco.

Như vậy thị trường chứng khoán đã khép lại một tuần giao dịch đầy sôi động với tính thanh khoản cao, ngoại trừ phiên cuối tuần này. Chỉ số VN-Index tăng mạnh và có cơ hội vươn lên mốc 500 điểm. Nhưng trong tuần tới, biên độ giao dịch mới có thể sẽ tạo nhiều biến động mới, khó lường tính. Và nhà đầu tư có hai ngày nghỉ để cân nhắc lại quyết định của mình.