12:28 23/07/2008

Chứng khoán ngày 23/7: Xuất hiện những chuyển biến mới

LAN NGỌC

Dù còn ít ỏi, chưa thể đại diện cho một tín hiệu, nhưng chuyển biến đã có ở một số mã và khối lượng trên sàn Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có báo cáo tài chính quý 2/2008 để nhà đầu tư tham khảo.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã có báo cáo tài chính quý 2/2008 để nhà đầu tư tham khảo.

Dù còn ít ỏi, chưa thể đại diện cho một tín hiệu, nhưng chuyển biến đã có ở một số mã trên sàn Tp.HCM và khối lượng trên sàn Hà Nội.

Phiên thứ 3 liên tiếp thị trường giảm mạnh. Tình thế không nhiều khác biệt với hai phiên liền trước, khi lượng mã giảm vẫn áp đảo trên sàn, dư bán vẫn tràn ngập và tính thanh khoản nén chặt.

Một chút khác biệt khi trong đợt 1 VN-Index chỉ giảm 6,71 điểm, nhưng khối lượng chỉ vẻn vẹn 714.640 đơn vị, trị giá gần 38 tỷ đồng. Mức giảm của chỉ số gia tăng dần qua các đợt tiếp theo, chung cuộc mất 12,29 điểm, chính thức mất mốc 450 điểm, còn 445,59 điểm.

Tính thanh khoản tiếp tục gây khó khăn cho các quyết định bán ra trong phiên hôm nay, khi chỉ có hơn 2 triệu đơn vị giao dịch thành công, trong đó có 369.160 đơn vị trong giao dịch thỏa thuận; tổng giá trị chỉ đạt 96,5 tỷ đồng. Nhưng dư mua cũng đã xuất hiện nhiều hơn trong giao dịch thỏa thuận.

Vẫn là một phiên hậu tăng giá xăng dầu. Đặc biệt, lượng dư bán chủ yếu ở giá sàn hai phiên trước đó (riêng phiên ngày 22/7 có trên 100 triệu đơn vị đặt bán) vẫn gây áp lực mạnh, tạo xu thế ồ ạt bán ra. Mốc 450 điểm trở nên mong manh, việc dò đáy trở nên quá mạo hiểm thời điểm này.

Phiên hôm nay, đúng hẹn, các doanh nghiệp niêm yết lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý 2/2008. Không ngoài dự tính trước đó của nhà đầu tư, khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, hoặc tham gia mạnh trong đầu tư chứng khoán gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh thời gian qua.

Tiêu biểu là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (mã BVS, sàn HASTC) lỗ trên 321 tỷ đồng do trích lập dự phòng rủi ro. Tương tự là Công ty Chứng khoán Hải Phòng (HPC, HASTC) cũng lỗ trong quý 2 và trích dự phòng rủi ro lớn; nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn lãi hơn 3 tỷ đồng. Một doanh nghiệp thu hút chú ý thời gian qua là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE, HOSE) cũng đã có báo cáo rất chi tiết về kết quả hoạt động của mình. REE cũng là trường hợp tiêu biểu cho sự mạnh dạn trích dự phòng rủi ro trước đó, và có sự “bù đắp” khá lớn trong đợt phục hồi vừa qua (VnEconomy sẽ có thông tin chi tiết về trường hợp này).

Hiện tại, đã có trên 30% doanh nghiệp niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2008. Trong hai ngày cuối tuần này, tỷ lệ trên sẽ tăng cao khi hạn 25/7 đã rất gần. Nhà đầu tư bắt đầu có được cơ sở tham khảo để định hướng quyết định; tuy nhiên, tính minh bạch và xác thực cần chú ý bởi báo cáo tài chính quý 2/2008 chưa kiểm toán.

Với cơ sở trên, đã có thêm những doanh nghiệp cho thấy lợi nhuận vẫn tăng tốc nhanh, nhiều khả năng sớm đạt kế hoạch cả năm. Trong số này, có những thành viên đã thắp lại màu xanh trên bảng điện tử phiên hôm nay. Ít nhất đó cũng cho thấy có sự chọn lọc, không ồ ạt giảm giá theo “bầy đàn”; tất nhiên, kết quả kinh doanh chỉ là một trong nhiều nhân tố.

Đó là BMC, một trong những thành viên công bố lợi nhuận quý 2 sớm nhất trên sàn Tp.HCM, phiên này tăng giá trần, lấy lại 2.000 đồng/cổ phiếu và không còn dư bán. Cùng mức tăng đó và đạt giá trần là TCT, một điển hình tăng tốc lợi nhuận trong quý 2. TSC cũng tăng giá trần thêm 1.500 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là COM, tăng 900 đồng/cổ phiếu để lên giá trần.

Riêng DDM của Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô, vẫn phải nhắc đến như một trường hợp đặc biệt. Phiên thứ hai có mặt trên sàn Tp.HCM, cổ phiếu này tiếp tục đạt giá trần, tăng thêm 500 đồng/cổ phiếu. Tính chất đặc biệt không phải ở vị thế của một “tân bình”, mà ở cách cổ phiếu này nhận giá trần: Không có lệnh nào “chịu” bán ra để rồi chỉ một lệnh lô nhỏ tối thiểu nhất 10 đơn vị vào sàn để khớp cho đúng quy định.

Trái ngược với giao dịch ở DDM, trên sàn đã xuất hiện hiện tượng “làm giá” khi lệnh lô nhỏ chỉ từ 10 – 50 đơn vị rải đều ở nhiều mã để đưa giá cổ phiếu về giá sàn. Một môi trường đang thuận lợi cho những lệnh có ý đồ này. Tính chung có tới 149 mã giảm giá, 6 mã tăng giá và 3 mã không có giao dịch. Qua phiên này, ngoài 3 chứng chỉ quỹ, thị trường bắt đầu đón nhận một số thành viên trở lại mực giá dưới mệnh giá, trước đó là BBT của Bông Bạch Tuyết.

Trở lại với chuyển biến của phiên này, 6 mã tăng trần ít nhất cũng đã tạo sự khác biệt so với hai phiên liền trước. Và sẽ thực sự có ý nghĩa nếu hiện tượng một nhóm nhỏ từng có sức lôi kéo cách đây gần hai tháng lại thể hiện; những phiên tới hy vọng có thêm những thành viên mới nhập nhóm.

Còn trên sàn Hà Nội, chuyển biến nổi bật nhất là khối lượng tăng vọt trở lại. gần 4,5 triệu đơn vị với giá trị 188,7 tỷ đồng chỉ là hạng trung của tuần trước, nhưng trong thời điểm này là một chuyển biến mạnh, gấp 10 lần so với phiên liền trước. Liệu đây có phải là một tín hiệu thực sự về quyết định gom mua của nhà đầu tư tại đây?

Lượng mã tăng trên sàn Hà Nội cũng đã nhích lên 4 thành viên, trong đó KBC tiếp tục là đầu tàu. Tuy nhiên, nhiều mã có ảnh hưởng lớn khác, cũng như xu thế chung đã kéo HASTC-Index giảm thêm 2,21 điểm, còn 143,48 điểm.