14:22 28/12/2009

Chứng khoán ngày 28/12: Cùng chờ đợi…

Lan Ngọc

Bên mua chờ giá thấp hơn, bên bán không đẩy hàng bằng mọi giá. Sự chờ đợi ở cả hai phía tạo một phiên giằng co căng thẳng

Thị trường bớt hưng phấn khi tâm lý chờ đợi phiên điều chỉnh xuất hiện như được “mặc định” cho tuần này - Ảnh: Quang Liên.
Thị trường bớt hưng phấn khi tâm lý chờ đợi phiên điều chỉnh xuất hiện như được “mặc định” cho tuần này - Ảnh: Quang Liên.
Bên mua chờ giá thấp hơn, bên bán không đẩy hàng bằng mọi giá. Sự chờ đợi ở cả hai phía tạo một phiên giằng co căng thẳng.

Điều chỉnh đến sớm. Đó là diễn biến đầu giờ sáng nay, sớm so với dự báo khoảng giữa tuần của nhiều nhà môi giới trước thềm tuần mới. Là một yếu tố bất thành văn, hai ngày nghỉ cuối tuần hẳn đã tạo một sự gián đoạn nhất định trong tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư ở phiên cuối tuần trước.

Và cũng không bất ngờ, điều chỉnh xuất hiện khi thị trường vừa có 6 phiên liền mạch tăng khá mạnh, hoạt động chốt lời là áp lực trước mắt. Điều chờ đợi là thị trường sẽ cho thấy áp lực đó như thế nào; mặt khác, liệu phiên điều chỉnh có thực sự là cơ hội trong mắt của người cầm tiền hiện nay?

Kết quả phiên sáng nay như dung hòa được nhu cầu cả hai phía. Những ai quyết chốt lời có thể đã bán, nhưng không bằng mọi giá; người mua đuổi đợt tăng có thể đã nhập hàng nhưng không hẳn phải trả giá quá cao (trong khuôn khổ của phiên). Nếu bên bán quyết mua như phiên cuối tuần trước, chắc chắn khối lượng đã thực sự bùng nổ. Nhưng điều đó không xẩy ra, bởi tâm lý chờ đợi phiên điều chỉnh xuất hiện như được “mặc định” cho tuần này.

Chung cuộc, trên HOSE toàn phiên vẫn có tới 50 triệu đơn vị được chuyển nhượng, 2.098,8 tỷ đồng giá trị. Giảm nhẹ so với phiên liền trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Quan trọng hơn, thị trường đã “rung” bớt một phần áp lực bán để có thể tiếp tục nhẹ gánh đi lên, như cách đã thể hiện giữa tuần trước, như kỳ vọng chung đặt ở tuần cuối năm này.

Nhưng đã có nhiều khác biệt. Cách đi lên chủ đạo của tuần trước là sự lình xình kéo dài ở vùng thấp để thúc đẩy các quyết định cần bán nhất. Nhưng hôm nay, ngay khi VN-Index xuống mức thấp nhất trong phiên sau 10 phút đầu khớp lệnh liên tục (485,76 điểm), lực cầu cực mạnh nhanh chóng vào cuộc đẩy chỉ số bật lên tới 499,02 điểm cũng chỉ trong khoảng 10 phút giao dịch. Diễn biến này được xem là cơ hội nhập cuộc trong mắt người cầm tiền.

Tất nhiên, hoạt động bán thường trực. Ngay khi VN-Index bật mạnh trở lại, cung lớn lại xuất hiện và tạo một sóng giảm nổi tiếp. Diễn biến này cũng chỉ hơn 10 phút.

Những biến động trên diễn ra nhanh, căng thẳng và cùng hướng về một thông điệp chung: Lực cầu chỉ sẵn sàng nhập cuộc mạnh khi giá xuống sâu, nhưng bên bán lại không đẩy hàng bằng mọi giá. Điểm hẹn cho cả hai phía là khoảng giao dịch trong biên độ hẹp nối dài sau đó trước khi bước vào đợt khớp lệnh đóng cửa và chung cuộc là điều chỉnh nhẹ ở chỉ số.

Trong sự giằng co căng thẳng đó, có thể nhận thấy VNM là một chốt chặn cần thiết của chỉ số, giá tăng vững và chiếm trần kết thúc phiên. Có thể đây là một kết quả thuận lợi từ thông tin Vinamilk thông báo mua vào 1 triệu cổ phiếu quỹ (từ 5/1 tới). Bên cạnh đó, ITA cũng là một điểm hỗ trợ tích cực khi khối lượng bùng nổ (gấp gần 10 lần phiên liền trước – 2,2 triệu đơn vị), giá đạt trần.

Nhưng vai trò tín hiệu thuộc về SSI, một mã có nhiều biến động và có khả năng lôi kéo sự hưởng ứng ở một số blue-chips khác. Trong 2 sóng tăng của phiên, có thể thấy SSI đi trước và loạt cổ phiếu lớn khác bắt nhịp, như PVF, REE, FPT…

Trên HNX, vai trò nổi bật thuộc về VCG, BVS, KLS và nhóm cổ phiếu Sông Đà… khi mà hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm khá mạnh. Áp lực bán đè giá VCG từ mức tăng mạnh đầu phiên về tham chiếu, nhưng một lần nữa lệnh lô lớn lại xuất hiện dày tại đây để thúc đẩy cổ phiếu của Vinaconex bật lên mạnh. Tại nhóm cổ phiếu Sông Đà, tương tự là sức cầu lớn và nhiều mã kiệt hàng từ khá sớm. Và những biến động rất mạnh của BVS, KLS cũng gắn với sự “đổi màu” liên tục của HNX-Index.

Như vậy, phiên điều chỉnh đã đến ở cả hai sàn, nhưng không mạnh. Khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao. Đặc biệt, khối đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh trên HOSE là một tín hiệu tích cực (mua ròng 161 tỷ đồng).