15:35 29/12/2009

Chứng khoán ngày 29/12: Lại thử thách niềm tin

Lan Ngọc

Cả hai sàn chứng kiến hoạt động chốt lời khá mạnh. Thị trường gần như hoàn toàn thuộc về người bán dù bên mua vẫn treo lệnh giá thấp

Phiên hôm nay có sự đột biến về khối lượng, nhưng có trong giao dịch thỏa thuận với hoạt động mua vào khá lớn của khối đầu tư nước ngoài - Ảnh: Quang Liên.
Phiên hôm nay có sự đột biến về khối lượng, nhưng có trong giao dịch thỏa thuận với hoạt động mua vào khá lớn của khối đầu tư nước ngoài - Ảnh: Quang Liên.
Cả hai sàn sáng nay chứng kiến hoạt động chốt lời khá mạnh. Thị trường gần như hoàn toàn thuộc về người bán dù bên mua vẫn treo lệnh giá thấp.

Khác với phiên dao động hôm qua, hôm nay bên mua đã nhường quyền chủ động cho những ai nỗ lực thoát khỏi thị trường. Ngay lúc mở cửa, Index đã mất khoảng 1,01%. Chỉ số trong ngày xuất hiện một đợt đánh lên khá ngắn và mức kháng cự 500 điểm tiếp tục tỏ ra khá cứng.

Mức cao nhất VN-Index đạt được là 493,67 điểm, thấp hơn một chút so với đỉnh ngày hôm qua (499,02 điểm). Gần như suốt thời gian còn lại, chỉ số lao dốc trong áp lực bán ra mạnh.

Áp lực bán thực tế đã có sự suy giảm đáng kể về cuối ngày trong 15 phút cuối đợt hai. Vùng thấp nhất 483 - 485 điểm đã được giữ vững. Khối lượng giao dịch trong 15 phút cuối này chỉ khoảng trên 8 triệu đơn vị và khá nhiều mã gần như không được khớp lệnh. Mức giảm tối đa của VN-Index tại đây khoảng 8,5 điểm.

Trong hoạt động chốt hàng diện rộng hôm nay, lực đỡ vẫn tiếp tục xuất hiện dù không hăng hái lắm trong việc đẩy bước giá lên cao hơn. STB, EIB hôm nay tiếp tục phát đi thông điệp về sức cầu: mặc dù giảm điểm nhưng được chặn mua hàng triệu cổ phiếu. Nhiều mã khác xuất hiện hoạt động tích lũy âm thầm với lệnh mua vào hệ thống trực tiếp dù cầu thể hiện trên bảng điện rất yếu. Tính theo giá trị, lực mua chủ động sáng nay cũng không nhỏ, chiếm khoảng 43% trong tổng số 1.672 tỷ đồng khớp lệnh.

Nếu xét về điểm số, hôm nay rõ ràng là không nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số giảm gần như toàn bộ phiên. Đây là phiên điều chỉnh thứ hai sau 6 phiên tăng liên tiếp. Không ít quan điểm đã chờ đợi sự điều chỉnh này ngay từ 480 điểm và có lẽ VN-Index cần thử lại mốc kháng cự này?

Thực tế trên mức kháng cự 500 điểm còn có một mốc quan trọng hơn là 520 điểm. Khối lượng kẹt tại vùng này không nhỏ và khá phù hợp với các phân tích kỹ thuật. Hai phiên hôm nay, có lẽ ý chí găm giữ hàng đã giảm đi nhiều, nhất là trong phiên sáng nay thị trường trượt dốc nhanh.

Tuy nhiên điểm số một lần nữa không quan trọng bằng cách thức bên mua và bán đánh giá thị trường. Áp lực bán ra đã suy yếu một cách rõ rệt khi chỉ số rơi về vùng 484 điểm. Khối lượng khớp lệnh đợt đóng cửa trong hai phiên điều chỉnh này khá lớn, đều đạt trên 7 triệu đơn vị và chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% toàn thị trường.

Nếu xét theo tâm lý thông thường của một ngày trượt dốc, quyết định mua vào đợt đóng cửa thật sự dũng cảm và có niềm tin. Trong khi nhiều người sẵn sàng chốt lời để thoát ra thì vẫn có nhà đầu tư mua trong lúc giảm điểm. Điều này là hợp lý nếu họ đánh giá về một đợt điều chỉnh trong xu thế tăng hơn là khả năng quay lại xu thế giảm.

Nếu tính chung 9 phiên thị trường ở quanh vùng đáy 430 điểm (từ 11-23/12), khối lượng tích lũy có thể có lời vào khoảng 322 triệu đơn vị. Dĩ nhiên một phần trong số này đã rơi rụng dần trong quá trình đi lên 7 phiên vừa qua nhưng nếu căn cứ vào diễn biến hôm nay có thể thấy áp lực chốt lời không thực sự mạnh và không thực sự quyết liệt. Index sụt giảm nhanh một phần là do bên mua chờ ở các bước giá thấp hơn và tập trung vào một vài nhóm cổ phiếu. Có lẽ dòng tiền tham gia chưa thực sự dồi dào như thời kỳ sử dụng đòn bẩy tài chính nên vẫn đang quay vòng ở các mã khác nhau.

Và cũng giống như hồi cuối tháng 7/2009, thị trường một lần nữa đang thử thách niềm tin.

Một điểm đáng chú ý sáng nay là đã có sự đột biến về khối lượng với gần 72 triệu đơn vị, 2.595 tỷ đồng giá trị trên HOSE; trên HNX là 22,8 triệu cổ phiếu với 754,5 tỷ đồng giá trị. Tuy nhiên, sự đột biến trên HOSE lại có từ giao dịch thỏa thuận (không ảnh hưởng trực tiếp đến giá chứng khoán và chỉ số) với khối lượng cao chưa từng có: 30 triệu đơn vị với 923 tỷ đồng. Trong đó, những mã có khối lượng lớn là EIB với 18 triệu đơn vị, MSN với 7,2 triệu đơn vị, VCB với 2,85 triệu đơn vị.

Trong sự đột biến của giao dịch thỏa thuận trên HOSE, một lực lượng mua mạnh là khối đầu tư nước ngoài. Họ mua vào tới 6,35 triệu đơn vị, dẫn đến phiên mua ròng mạnh với 241,45 tỷ đồng (riêng giao dịch khớp lệnh mua ròng 10,93 tỷ đồng).