11:55 29/06/2009

Chứng khoán ngày 29/6: Phía sau suy giảm khối lượng

Lan Ngọc

Khối lượng giao dịch tiếp tục giảm mạnh, về gần mốc ngày 8/6 nhưng tình thế lại hoàn toàn khác

Khối lượng tiếp tục sụt giảm mạnh thời điểm này có thể xem là sự lưỡng lự của dòng tiền khi xu hướng chưa rõ ràng. Cụ thể hơn, khả năng chấp nhận mạo hiểm của nhiều nhà đầu tư không còn cao, trong khi hoạt động chốt lời vẫn là một dòng chảy chính - Ảnh: SGTT.
Khối lượng tiếp tục sụt giảm mạnh thời điểm này có thể xem là sự lưỡng lự của dòng tiền khi xu hướng chưa rõ ràng. Cụ thể hơn, khả năng chấp nhận mạo hiểm của nhiều nhà đầu tư không còn cao, trong khi hoạt động chốt lời vẫn là một dòng chảy chính - Ảnh: SGTT.
Khối lượng giao dịch tiếp tục giảm mạnh, về gần mốc ngày 8/6 nhưng tình thế lại hoàn toàn khác.

“Đáy” của khối lượng giao dịch thành công trong đà đi lên mạnh mẽ đầu tháng 5 đến nay ghi nhận ở phiên ngày 8/6, khi chỉ có gần 28 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hôm nay, tiếp tục hướng giao dịch những phiên gần đây, khối lượng giảm mạnh thêm; toàn phiên chỉ có 28,8 triệu đơn vị, trong đó khối lượng thỏa thuận đã có hơn 1,7 triệu đơn vị. Thị trường có “đáy” mới của khối lượng, nhưng tình thế đã khác so với thời điểm của ngày 8/6 trước đó.

Ngày 8/6, khối lượng giao dịch giảm hơn 35% so với phiên liền trước, được đặt trong bối cảnh “không chịu bán” trước diễn biến tăng trần ồ ạt của chứng khoán trên sàn. Đó cũng là ngày VN-Index tái lập mốc 500 điểm sau khi tăng gần hết khả năng. Còn hôm nay, khối lượng giảm khoảng 26% so với phiên trước (phiên cuối tuần giảm khoảng 30%), đặt trong bối cảnh cầm cự chung của thị trường. Trên HNX, khối lượng cũng giảm khoảng 21% (phiên cuối tuần qua cũng giảm gần 30%).

Khối lượng tiếp tục sụt giảm mạnh thời điểm này có thể xem là sự lưỡng lự của dòng tiền khi xu hướng chưa rõ ràng. Cụ thể hơn, khả năng chấp nhận mạo hiểm của nhiều nhà đầu tư không còn cao, trong khi hoạt động chốt lời vẫn là một dòng chảy chính. Mặt khác, ngày mai một sự kiện được chờ đợi trong hơn năm qua chính thức diễn ra: cổ phiếu Vietcombank chào sàn.

Trước sự kiện này, có những suy tính khác nhau. Một số phân tích gợi hướng suy luận rằng, ngày trước, Vietcombank IPO và sau đó là thị trường đổ dốc kéo dài; còn nay niêm yết liệu có một diễn biến tương tự xẩy ra? Ngược lại, một suy tính khác lại cho rằng cổ phiếu của Vietcombank sẽ thắp lửa, có thể tạo sự lôi kéo đối với xu hướng chung.

Suy tính này lập luận rằng, với giá khởi điểm 50.000 đồng, lượng bán ra cổ phiếu Vietcombank dự báo sẽ rất thấp, liên quan đến nhu cầu. Đa số nhà đầu tư đều kẹt VCB ở giá rất cao so với mức giá đó, nếu bán ra đồng nghĩa với sự cụ thể hóa các mức lỗ. Điều đó khó là động cơ để bán ra. Lượng bán ra có thể chỉ xuất phát từ những người gom mua giá thấp từ 30.000 – 40.000 đồng/cổ phiếu trên OTC trước đó, nhưng lượng giao dịch cũng không quá lớn.

Những suy tính trên có thể tham khảo đến diễn biến giao dịch của BVH (Bảo Việt) từ ngày chào sàn tuần qua. Giá BVH kịch trần 20% biên độ trong ngày đầu, liên tiếp tăng trần cho đến hôm nay. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng.

Trước những giả thiết, những suy tính đó, nhiều quyết định chọn giải pháp an toàn, tạm ngoài cuộc chờ xu hướng của thị trường khẳng định. Trong xu hướng đó, sự phục hồi của khối lượng được xem là một tín hiệu. Còn ở phiên hôm nay, sự suy giảm của khối lượng cũng chưa thể khẳng định là một biểu hiện tiêu cực.

Có chăng tiêu cực là sự vận động của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. VN-Index tăng nhẹ và duy trì gần suốt phiên, nhưng ở những phút cuối đã đảo chiều giảm 0,95 điểm (0,2%). Tương tự, HNX-Index tăng nhẹ đầu phiên và có chút giằng co sau đó, đóng cửa gần với mức thấp nhất trong phiên, giảm 1,94 điểm.

Sự níu kéo cho chỉ số chung hôm nay trước hết có từ nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng. PVF tăng khá và duy trì được màu xanh trong phiên trước thềm công bố kết quả hoàn nhập dự phòng của PVFC. STB tăng nhẹ nhưng không phải nhọc sức tranh đấu như thường thấy thời gian gần đây. SSI lưỡng lự ở giá tham chiếu và bật “xanh” vào phút cuối, tăng nhẹ 500 đồng. REE không tăng nhưng cũng đã kịp về giá tham chiếu trước khi đóng cửa…

Ấn tượng nhất hôm nay, ngoài BVH tiếp tục tăng trần, là hai tên tuổi thuộc nhóm bất động sản. Đó là sự trở lại hết khả năng trong một phiên của SJS, tăng trần thêm 4.500 đồng/cổ phiếu. NTL cũng chỉ cách mức giá tối đa một bước nhỏ 500 đồng, giá tăng 3.000 đồng/cổ phiếu.

Còn lại, một loạt cổ phiếu lớn như DPM, FPT, HAG, PPC, PVD, VNM, VPL đều giảm giá.

Trên HNX, điểm nổi bật là sự xuống giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán, họ dầu khí và cổ phiếu bảo hiểm VNR; trong khi ACB trụ ở giá tham chiếu, SHB tăng nhẹ 300 đồng và VGC tăng nhẹ 200 đồng. VCG vẫn là cổ phiếu tâm điểm bán ra của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng giá đã bắt đầu có cải thiện sau loạt giảm sàn và mất hơn 30% so với đỉnh của đợt phục hồi vừa qua.