05:30 07/12/2007

Chứng khoán ngày 6/12: Giao dịch vẫn giảm mạnh

Hồng Kỳ

Đợt IPO Vietcombank vẫn tiếp tục tác động tới diễn biến của thị trường chứng khoán trong phiên ngày 6/12

Tâm điểm vẫn tập trung vào một số các cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Tâm điểm vẫn tập trung vào một số các cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Đợt IPO Vietcombank vẫn tiếp tục tác động tới diễn biến của thị trường chứng khoán trong phiên ngày 6/12. Toàn thị trường gần như “lắng” đi vì thông tin này.

Điều này được thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh. Lượng cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm đa số nhưng VN-Index chỉ giảm nhẹ 1,75 điểm, xuống còn 974,46 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh sự kiện IPO Vietcombank. Nhiều người tự hỏi liệu có dấu hiệu ép giá cổ phiếu trên sàn của các tổ chức với mục đích để giá đấu Vietcombank không quá cao, dễ mua vào? Nhiều nhà đầu tư còn cho rằng đây là "chiến thuật" của các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là các tổ chức.

Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên môn, khó có thể “làm giá” ở thị trường mà quy mô thị trường đã đạt 40% GDP?. Thật khó đưa ra lời nhận định chính xác cho thị trường vào điểm này, nhưng nếu nhìn vào danh mục cổ phiếu đang niêm yết cũng như cổ phiếu OTC đang giao dịch trên thị trường thì cổ phiếu Vietcombank chưa phải là mục tiêu đầu tư số 1 của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn khi dựa vào sự tăng trưởng và lợi nhuận...

Trở lại với phiên giao dịch, thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho thấy, trong số 127 cổ phiếu niêm yết trên sàn có đến 64 mã giảm giá, chỉ có 33 mã tăng giá, và 30 mã đứng giá. Hai chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng lên 10.600 đồng/chứng chỉ quỹ, còn VF1 đứng giá ở mức 28.600 đồng/chứng chỉ quỹ.

Tuy nhiên, sự sụt giảm rõ nét nhất phiên này không phải là VN-Index mà là sụt giảm về khối lượng giao dịch. Theo thống kê, dù cung cầu trong phiên giao dịch này tương đối cân bằng, nhưng lượng giao dịch toàn phiên giảm mạnh, chỉ đạt gần 6,09 triệu đơn vị, tương đương với 605,33 tỷ đồng giá trị, giảm tương ứng 26% và 30% so với phiên trước đó. Và đây là mức giao dịch thấp nhất trong hơn 2,5 tháng qua.

Tâm điểm vẫn tập trung vào một số các cổ phiếu có vốn hóa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thăng trầm của thị trường như DPM, FPT, SSI, STB và VNM. Trong nhóm này, chỉ có duy nhất cổ phiếu VNM tăng 2.000 đồng lên 172.000 đồng/cổ phiếu; các cổ phiếu còn lại giảm hoặc đứng giá.

Cụ thể, hai “đại gia” DPM và SSI của đứng ở mức 78.500 đồng và 265.000 đồng/cổ phiếu, trong khi STB của và FPT giảm tương ứng 500 đồng và 2.000 đồng xuống 68.000 đồng và 230.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự sàn Tp.HCM, sàn Hà Nội có phiên mất điểm thứ hai liên tiếp. 40 mã tăng giá, 55 mã giảm giá, 3 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch, chỉ số HASTC-Index giảm nhẹ 1,89 điểm, tạm dừng ở mức 344,37 điểm khi đóng cửa PGD.

Khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục sụt giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3.012.420 cổ phiếu tương đương giá trị đạt 303 tỷ đồng. Giảm 21% về khối lượng và giảm 18% về giá trị.

Theo nhận định của giới chuyên môn, với lượng cung hứa hẹn dồi dào (nhiều cổ phiếu lên sàn như Xây dựng công nghiệp Descon, PV Trans, Cáp Việt Hàn, SaigonTel, Bút bi Thiên Long, Bóng đèn Điện Quang...; rồi nhiều doanh nghiệp sắp IPO, phát hành thêm), trong khi lượng cầu cổ phiếu có khả năng không thể tăng kịp cung (do nhà đầu tư đã giải ngân để trả nợ vay ngân hàng, chuyển đầu tư vào các lĩnh vực hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận hơn như vàng, bất động sản...) thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sôi động hơn nhưng khó có đột phá trong thời gian tới.