09:23 15/08/2008

Chứng khoán nhìn về biên độ mới

Minh Đức

Phía sau biên độ mới là tính thời điểm, giá trị, kỳ vọng và cả những lo ngại

Lần điều chỉnh biên độ này được nhiều nhà đầu tư ủng hộ và đánh giá cao ở tính thời điểm - Ảnh: Mạnh Thắng.
Lần điều chỉnh biên độ này được nhiều nhà đầu tư ủng hộ và đánh giá cao ở tính thời điểm - Ảnh: Mạnh Thắng.
Phía sau biên độ mới là tính thời điểm, giá trị, kỳ vọng và cả những lo ngại…

Ngày 14/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định trả lại biên độ +/-5% giao động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và nâng từ +/-4% lên +/-7% tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC).

Đây là lần điều chỉnh thứ 4 trong năm, bắt đầu từ những khó khăn của thị trường cuối năm 2007 đầu năm 2008.

“Cải thiện” chứ chưa hẳn “tốt”

Không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban Chứng khoán quyết định nới biên độ lần này cùng lúc với sự kiện giảm giá xăng dầu của Bộ Tài chính. Đó là một điểm hẹn tranh thủ thêm một thuận lợi để thành công hơn về tính thời điểm.

Đúng thời điểm. Đó cũng là nhận định chung từ ý kiến của nhiều nhà đầu tư gửi về VnEconomy. Còn theo ý của Ủy ban Chứng khoán, đó là tính hợp lý của bối cảnh thị trường, nền kinh tế với chính sách.

Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, người phát ngôn của Ủy ban Chứng khoán, tính hợp lý đó được xác định từ cơ sở các yếu tố kinh tế vĩ mô và thực tế diễn biến của thị trường trong thời gian gần đây.

“Các yếu tố vĩ mô trong nước từ tháng 6, tháng 7 và đầu tháng 8 đã có nhiều tín hiệu tích cực như tỷ giá, cán cân thanh toán, lãi suất ngân hàng, vốn đầu tư nước ngoài… Trên thị trường thế giới, hai mặt hàng chi phối lớn tới mặt bằng giá cả là dầu và vàng cũng đã giảm. Chứng khoán toàn cầu cũng đã có những phiên phục hồi đáng kể. Tính thanh khoản của thị trường trong nước đã được cải thiện, đặc biệt là trong hai tuần gần đây. Mặt khác, quyết định giảm giá xăng dầu của Bộ Tài chính cũng là một thuận lợi. Những cơ sở đó giúp Ủy ban Chứng khoán đưa ra quyết định nới biên độ hôm nay”, ông Sơn giải thích.

Nhưng, những cơ sở trên, cũng như thực tế của thị trường chứng khoán hiện nay, theo quan điểm của ông Sơn, nên được nhìn nhận ở sự “cải thiện” và khó có thể nói là đã “tốt” như cách đây một vài năm, bởi vẫn còn những yếu tố bất ổn tiềm ẩn, nền kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

“Giá xăng dầu vẫn ở mức cao, lãi suất vay vốn vẫn ở khoảng 20 – 21%/năm, chi phí tài chính của doanh nghiệp quý 3, quý 4 này dự báo sẽ vẫn còn những khó khăn… Và những khó khăn đó có thể tác động đến giá cổ phiếu”, ông Sơn nhận định.

Những khó khăn đó cũng là lý do để nhà đầu tư thận trọng hơn khi đánh giá về tác động của biên độ mới đối với giá chứng khoán và xu hướng phản ứng của thị trường thời gian tới.

Giá trị và kỳ vọng

Nhìn lại, trong ba lần điều chỉnh trước đó, thị trường đã có phản ứng tích cực tức thì và ngắn hạn. Trong thời gian áp biên độ hẹp, VN-Index đã từng giảm xuống mức thấp nhất 366 điểm trong ngày 20/6.

Lần điều chỉnh biên độ này được nhiều nhà đầu tư ủng hộ và đánh giá cao ở tính thời điểm. Và theo ông Sơn, nếu như Ngân hàng Nhà nước có thêm những tác động khác cùng hỗ trợ thị trường thì sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn.

Còn riêng với giá trị của quyết định nới rộng biên độ, người phát ngôn của Ủy ban Chứng khoán hy vọng rằng sẽ tạo hiệu ứng tốt đối với tính thanh khoản của thị trường, cũng như đối với tâm lý nhà đầu tư.

Mặt khác, với các công ty chứng khoán, nếu tính thanh khoản cải thiện sẽ tạo thêm thuận lợi về nguồn thu phí giao dịch, giải tỏa bớt khó khăn kéo dài kể từ đầu năm đến nay.

Với nhà đầu tư, ông Sơn cho rằng giá trị cụ thể nhất là có được một biên độ rộng hơn, tạo được nhiều mức giá, cơ sở để nhà đầu tư xác định, thuận lợi hơn khi đưa ra các mức giá chào mua – bán.

Trong phản hồi của nhà đầu tư về lần điều chỉnh này, ngoài những giá trị trên, tính ổn định của biên độ, cụ thể là mức +/-5% trước đây tại HOSE đã được trả lại, là một yêu cầu cần thiết; mức giao động giá lớn hơn cũng tạo thêm tính hấp dẫn của thị trường.

Một số ý kiến cho rằng, những phiên giao dịch gần đây cho thấy thị trường đang ở thời điểm tích lũy, trong khi lực cầu đang tích tụ ở mức cao (quanh 50 triệu đơn vị đặt mua/phiên). Với tình thế này, thị trường cần một yếu tố tác động đủ sức nặng để tạo khả năng bứt phá. Và sự kiện giảm giá xăng dầu cùng nới rộng biên độ được xem là yếu tố cần đó. Những nhận định này đi cùng với kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có phản ứng tích cực trong những phiên tới.

Tuy nhiên, biên độ rộng cũng đi cùng với điều kiện để giá chứng khoán có thể giảm mạnh hơn, rủi ro lớn hơn. Bởi theo ông Sơn, sự đi lên của thị trường, giá của chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô, nôi tại của doanh nghiệp hay vấn đề tâm lý, chứ không riêng vì hiệu ứng của việc nới rộng biên độ.

Và trong tình huống xấu, ông Sơn cho biết, Ủy ban Chứng khoán với thẩm quyền của mình sẽ sử dụng công cụ biên độ và có thể thu hẹp trở lại, bởi mức hiện tại không phải là sẽ luôn cố định.