12:12 15/04/2013

Chứng khoán sáng 15/4: Sợ hãi bao trùm

Lan Ngọc

Mức giảm về phần trăm trong sáng nay trên cả hai sàn là lớn nhất trong suốt nhiều tháng trở lại đây

VN-Index lao dốc càng về cuối phiên càng mạnh.
VN-Index lao dốc càng về cuối phiên càng mạnh.
Không có lấy một đợt phục hồi nào “ra hồn”, cả hai sàn chìm trong hoạt động bán rẻ. Cầu bắt đáy vẫn chưa thấy tăm hơi.

VN-Index đang sụt giảm 2,05%, VN30-Index giảm 2,06%, HNX-Index giảm 1,82% và HNX30-Index giảm 2,13%. Tất cả các cổ phiếu lớn đều suy giảm nghiêm trọng khiến tâm lý thị trường thêm u ám. Thanh khoản nhìn chung là sụt giảm và những mã giao dịch nhiều nhất cũng là những mã giảm mạnh nhất.

Mức giảm về phần trăm trong sáng nay trên cả hai sàn là lớn nhất trong suốt nhiều tháng trở lại đây. Các cổ phiếu lớn không còn phân hóa để “giảm xóc” cho chỉ số nữa là nguyên nhân quan trọng nhất. Rổ VN30 của HSX chỉ còn EIB tăng một cách lạc lõng. Ngay cả GAS với thông tin khá tốt từ đại hội cổ đông vẫn đang giảm 0,9%. Tới 27/30 mã của rổ này giảm giá khiến sức ép lên thị trường chung là rất lớn, cả về điểm số lẫn tâm lý.

HSX khoảng hai tuần trước còn duy trì được trạng thái tăng giảm đan xen và các blue-chips vẫn giao dịch tốt. Việc điều chỉnh của nhiều mã đã tăng là có thể hiểu được, nhưng tình trạng sụt giảm hàng loạt với tốc độ lớn chắc chắn là dấu hiệu của tâm lý lo sợ. Thị trường vẫn nhìn vào biến động của chỉ số để phản ứng và khi cổ phiếu lớn “dìm” chỉ số, các cổ phiếu khác cũng “chìm” theo.

HSX thực tế cũng có một đợt phục hồi ngắn khoảng 10 phút trước 10h. Nỗ lực này là không đáng kể, xuất phát từ biến động cá biệt của vài cổ phiếu lớn. GAS chẳng hạn, đi lên từ mức 54.000 đồng. DPM, PGD có nhích tăng vài giá rất nhanh. Biến động của độ rộng HSX vẫn phản ánh tình trạng sụt giảm triền miên và mức hồi không kéo nổi cổ phiếu trở lại tham chiếu.

Sàn này vẫn ghi nhận 9 mã trần và 34 mã tăng. Khả năng đi ngược thị trường vẫn xuất hiện ở một số cổ phiếu thanh khoản kém. Mức độ ảnh hưởng của những mã này gần như không có và thanh khoản quá yếu có thể dẫn đến hiện tượng giao dịch khống chế giá tương đối dễ. Còn lại trong số 20 mã thanh khoản lớn nhất HSX, duy nhất EIB tăng giá. Độ rộng của HSX nói chung cũng ghi nhận 16 mã sàn và 141 mã giảm. Tình trạng giảm giá là phổ biến.

Giá trị khớp lệnh phiên sáng trên HSX tăng khoảng 18% so với phiên cuối tuần trước, đạt 479,4 tỷ đồng. Giao dịch mạnh lên được ghi nhận tại VNM, REE, CTG, CSM, SSI, HSG… Tuy nhiên đây lại là những mã mất giá rất mạnh. Thanh khoản tăng do người bán tháo hàng với mức giá rất thấp.

Sàn Hà Nội lại có thanh khoản giảm gần 13%, chỉ đạt 129,3 tỷ đồng. Rổ HNX30 có mức giảm giá bình quân tới 2,13% và thanh khoản cũng rất yếu. Tình trạng của sàn này có nét khác, giao dịch không hoảng loạn nhưng cầu lại quá yếu. 29 mã tăng giá trên HNX đều là các mã quá nhỏ.

Hầu hết các cổ phiếu đầu cơ ở sàn này lúc cao nhất giá cũng không vượt khỏi ngưỡng tham chiếu. Tăng giá chỉ có duy nhất PVS nhưng từ sau 11h trở đi cũng đã lùi trở lại điểm xuất phát. Mức giảm mạnh xuất hiện tại ACB, BVS, KLS, PGS, PVX, SCR, VCG. HNX-Index không có bất kỳ đợt phục hồi nào mà giảm liên tục gần như trọn phiên sáng.

Vấn đề thanh khoản cũng thể hiện yếu tố tâm lý bất ổn trên thị trường. Mức giá giảm đã khá mạnh nếu tính theo dao động trong phiên nhưng cầu bắt đáy vẫn rất kém. Rổ VN30 có khối lượng dư mua tốt nhất rất thấp, ngay cả ở những cổ phiếu đã giảm quá 2%. Cả 4 chỉ số đều tạo đáy ngay trước thời điểm kết thúc phiên sáng. Thị trường không hé mở dấu hiệu tích cực nào cho phiên chiều.