12:02 20/01/2016

Chứng khoán sáng 20/1: Không lẽ là bull-trap?

Lan Ngọc

Thị trường bất ngờ “rực” lên trong ít phút giữa phiên nhưng rồi lại tụt giảm nhanh chóng sau đó

VN-Index rơi trở lại về cuối phiên sáng nay khi các blue-chips không giữ được sức mạnh - Ảnh: TVSI.<br>
VN-Index rơi trở lại về cuối phiên sáng nay khi các blue-chips không giữ được sức mạnh - Ảnh: TVSI.<br>
Thị trường bất ngờ “rực” lên trong ít phút giữa phiên nhưng rồi lại tụt giảm nhanh chóng sau đó. Độ rộng thị trường thay đổi rất nhanh nhưng đến cuối phiên số mã giảm lại chiếm ưu thế.

Độ rộng thay đổi cho thấy khá nhiều cổ phiếu đã bật tăng mạnh trong thời điểm thị trường khởi sắc nhưng đã không duy trì được sức mạnh. VN-Index lúc cao nhất tăng 0,15% so với tham chiếu nhưng chốt phiên sáng lại giảm 0,56%. VN30 từ tăng 0,29% thành giảm 0,45%.

Biến động ngắn và nhanh nói trên của thị trường diễn ra trong bối cảnh vẫn tồi tệ: Chứng khoán Trung Quốc giảm 1,37%, một lần nữa đánh mất ngưỡng 3.000 điểm. Giá dầu thế giới (dầu Brent) giảm 1,88%.

Chứng khoán châu Á trừ Mông Cổ và Pakistan tăng nhẹ, còn lại đều giảm sâu: Nhật giảm 3,05%, Hàn Quốc giảm 2,84%, Đài Loan giảm 1,94%, Hồng Kông giảm 3,77%, Singapore giảm 2,61%...

Hai yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có được đợt tăng ngắn, là một số cổ phiếu trụ bật tăng khá mạnh, đồng thời các mã dầu khí khởi sắc. Cổ phiếu dầu khí chịu tác động nặng nề từ diễn biến bất lợi của giá dầu, như GAS có lúc giảm 2,51%, PVD giảm 4,8%, PVS giảm 3,68%...

Các cổ phiếu dầu khí cũng phục hồi cùng nhịp với thị trường đã làm giảm gánh nặng đáng kể. Chẳng hạn GAS hồi từ 31.100 đồng lên 31.800 đồng, ngay sát tham chiếu trước khi rơi trở lại 31.300 đồng và giảm 1,88% lúc chốt phiên sáng. PVD đang giảm 4,88%, PVS giảm 2,94%, PVC giảm 3,42%, PVB giảm 3,51%, PGS giảm 0,65%...

Các mã trụ kéo thị trường lên tại thời điểm VN-Index đạt đỉnh là VNM quay về tham chiếu 119.000 đồng, nhưng hiện đã giảm 0,84%. VCB đột biến tăng 1,74% nhưng rốt cục lại bị đè về tham chiếu. BVH từ tăng 1,67% thành giảm 1,25%...

Diễn biến của chỉ số VN30 cùng nhịp với VN-Index cho thấy các blue-chips là nguyên nhân của đợt tăng này, nhưng đồng thời cũng là lực kéo xuống do các cổ phiếu lớn hụt hơi rất nhanh. HSX ghi nhận 103 mã giảm/78 mã tăng, VN30 có 13 mã giảm/7 mã tăng.

Sàn Hà Nội chủ yếu chịu sức ép của các mã dầu khí lớn và thêm SCR, KLS, ACB, DBC. Trong khi VND, AAA, BCC, BVS, NTP, VCG vẫn tăng. HNX-Index giảm 0,55% với 80 mã giảm/64 mã tăng. HNX30 giảm 0,49% với 10 mã giảm/7 mã tăng.

Thanh khoản đã không tăng được trong sáng nay mà còn giảm khoảng 3% so với sáng hôm qua, khớp lệnh 888,5 tỷ đồng. Trong số 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường, cũng là 5 mã duy nhất khớp lệnh trên 20 tỷ đồng sáng nay, chỉ có TTF là tăng, còn lại FLC, HAG, HPG, VNM đều giảm. FLC giao dịch lớn nhất với 50,2 tỷ đồng thì bị bán mạnh, giá giảm 3,03%.

Nhà đầu tư nước ngoài không nâng đỡ thị trường nhiều, mức giải ngân trực tiếp qua khớp lệnh ở HSX mới là 52,3 tỷ đồng, giảm 22% so với sáng hôm qua. CII giao dịch thỏa thuận 4 triệu cổ góp phần đẩy vị thế mua tổng thể của khối này lên cao, nhưng không tác động đến giá.

Thị trường phục hồi với thời gian ngắn và không duy trì được lâu đồng thời thanh khoản kém cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất nghi ngại ở các nhịp giá tăng.