11:31 21/04/2008

Cổ đông nhỏ “đấm bị bông”

Lê Hường

Tiếng nói của cổ đông nhỏ gần như “đấm bị bông” trong biểu quyết tại nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa

"Nhiều cổ đông nhỏ hiện nay khá thụ động và bàng quan trước việc nâng cao hiệu lực công ty” - Ảnh: Việt Tuấn.
"Nhiều cổ đông nhỏ hiện nay khá thụ động và bàng quan trước việc nâng cao hiệu lực công ty” - Ảnh: Việt Tuấn.
Khi cổ phiếu mất giá mạnh, cơ cấu đầu tư, kế hoạch tăng vốn và hàng loạt vấn đề về quản trị doanh nghiệp được soi xét nhiều hơn tại các cuộc đại hội đồng cổ đông.

Tuy nhiên, tiếng nói của cổ đông nhỏ gần như “đấm bị bông” trong nhiều cuộc biểu quyết tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa với số vốn nhà nước chiếm quá bán.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ngày 17/4 vừa qua, 14/15 ý kiến được phát biểu là của cổ đông nhỏ. Đại đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ thất vọng về kết quả kinh doanh của công ty sau một năm cổ phần hóa và phản đối kế hoạch tăng vốn cùng những khoản đầu tư rất dàn trải của Vinaconex.

2007 là một năm khó khăn cho nhiều lĩnh vực kinh tế nhưng lại được xem là năm của cơ hội vàng cho lĩnh vực bất động sản. Chính vì thế, con số lợi nhuận của Vinaconex làm nhiều cổ đông thất vọng. Cổ đông Lê Hoàng nêu ý kiến: “Lợi nhuận năm 2007 đạt 18,3% là quá thấp. Thế nhưng, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm 2008 gần như không có tăng trưởng.”

“Năm qua, phần lớn các công ty trong ngành xây dựng và bất động sản có kết quả kinh doanh khá tốt. Nhiều công ty con trong Vinaconex có kết quả kinh doanh tương đối tốt, có công ty đạt lợi nhuận trên 50%. Trong khi đó, Vinaconex với rất nhiều dự án tiềm năng nhưng lợi nhuận không đạt nổi 20%, điều này khiến chúng tôi nghi vấn”. Đó là ý kiến phát biểu của nhà đầu tư Quý Long tại cuộc họp.

Kế hoạch tăng vốn của Vinaconex cũng được bàn tán với nhiều ý kiến phản đối. Ông Lê Hoàng phân tích, với kế hoạch năm 2008 thấp như vậy, nếu giữ nguyên vốn điều lệ là 1.500 tỷ, thì lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của năm 2008 dự kiến là khoảng 20%.

Nếu tăng vốn điều lệ như kế hoạch, tăng trưởng EPS của năm 2008 dự kiến sẽ âm. Cho dù việc tăng vốn là để đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh nhưng cũng rất cần tính đến quyền lợi của các cổ đông. Hơn nữa, khi việc tăng vốn để góp vào các công ty con và các công ty liên kết nhưng chúng tôi lại không biết được bao nhiêu trong số các công ty Vinaconex định góp vốn là làm ăn hiệu quả, bao nhiêu công ty xứng đáng thoái đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính và là một cổ đông của công ty nói: “Để đảm bảo cho công ty hoạt động bình thường, cần xem xét cắt giảm các dự án đầu tư nhất là vào các công ty con.

Hiện nay, tình hình quản lý tài chính của công ty là rất yếu, các dự án góp vốn được đưa ra nhưng không tính đến hiệu quả, nhiều dự án không hiệu quả mà công ty vẫn góp vốn. Về dự án góp vốn khoảng 80 tỷ vào ngân hàng năng lượng Việt Nam là không hợp lý.

Vấn đề này nếu lấy ý kiến của cổ đông ở đây trừ cổ đông nhà nước thì cũng không ai đồng tình. Nếu thành viên Hội đồng Quản trị thiết tha làm điều này, tôi đề nghị hội đồng nhường quyền mua cho người thân các vị Hội đồng Quản trị .”

Nhiều người cùng chung thắc mắc: “Không biết, người đại diện vốn Nhà nước trong tổng công ty có thấy xót xa khi đồng vốn nhà nước ở đây chưa phát huy hiệu quả cao tương xứng với tiềm năng”.

Ngoài ra, rất nhiều cổ đông bức xúc với những kế hoạch kinh doanh cùng cách thức quản trị doanh nghiệp của Vinaconex, thế nhưng, không mấy người giành được quyền phát biểu. Và nhiều người trong số họ cũng không muốn phát biểu, bởi lẽ, có phát biểu cũng chỉ mang tính khuấy động phong trào, khi cổ đông nhà nước đã biểu quyết thông qua thì gần như phần thua đã thuộc về họ.

Cũng có ý kiến cho rằng 1 năm sau cổ phần hóa không phải là thời gian đủ dài để Vinaconex có thể “lột xác”. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không yên lòng và sẽ mất niềm tin nếu công ty tiếp tục những định hướng quản trị doanh nghiệp kém hiệu quả.

Trước công luận, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vinaconex bày tỏ tinh thần tiếp thu ý kiến góp ý của tất cả các cổ đông. Nhà đầu tư của Vinaconex được dịp kỳ vọng về mùa đại hội đồng sang năm.

Về quyền lợi của cổ đông nhỏ và cổ đông lớn là sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nêu quan điểm: “Vấn đề cổ đông lớn và cổ đông nhỏ là vấn đề căn bản của quản trị công ty. Thông thường, cổ đông lớn hay lạm dụng quyền lực. Không nhất thiết quyết định của cổ đông lớn phải làm hài lòng cổ đông nhỏ. Vấn đề đặt ra là quyết sách của các cổ đông lớn có vì mục đích phát triển của công ty, của cổ đông nhà nước hay là làm lợi cho mình hoặc một mục đích nào khác. Vấn đề ở đây là phải có cơ chế, thể chế, giám sát những người đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền chủ sở hữu xem những quyết định được đưa ra có trên nguyên tắc trung thành, trung thực, cẩn trọng và phục vụ tốt nhất cho lợi ích của công ty và cổ đông nhà nước hay không.”

“Các cổ đông nhỏ nên tập hợp với nhau để tạo nên sức mạnh có ảnh hưởng đến công ty, nên giám sát hội đồng quản trị và người điều hành, để phát hiện những hành vi không đúng, khiếu nại cảnh báo đến ban kiểm soát, thành viên Hội đồng Quản trị. Nhiều cổ đông nhỏ hiện nay khá thụ động và bàng quan trước việc nâng cao hiệu lực công ty” ông Cung nói.

Có vị chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty đại chúng từng phát biểu tại một cuộc đại hội đồng cổ đông năm nay: “Nếu lợi nhuận năm sau không cao hơn năm nay, tôi sẽ từ chức”. Mong rằng, đây là tinh thần và tâm huyết của hầu hết ban lãnh đạo các công ty, đặc biệt là những người đang đại diện cho quyền sở hữu của nhà nước để điều hành công ty.