17:43 13/12/2010

Cổ phiếu ngân hàng “sốt”: Chỉ là phản ứng với thông tin?

Khánh Hà

Phiên giao dịch ngày 13/12 ghi nhận sự đột biến về sức mua tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, những mã vốn được xem là “nặng nề”

Cổ phiếu EIB đã đột phá qua mức kháng cự
Cổ phiếu EIB đã đột phá qua mức kháng cự
Phiên giao dịch ngày 13/12 ghi nhận sự đột biến về sức mua tại nhóm cổ phiếu tài chính, trong đó đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, những mã vốn được xem là “nặng nề”.

Cổ phiếu ngân hàng trong sóng tăng 16 phiên vừa qua khởi động chậm hơn khá nhiều cổ phiếu khác, nhất là nhóm chứng khoán và một số “hàng nóng” có lịch sử đầu cơ. So với Index, các cổ phiếu này cũng đem lại tỉ suất lợi nhuận trung bình và kém. Chẳng hạn VN-Index đến ngày 10/12 tăng hơn 11% tính từ đáy 22/11/2010 thì VCB mới tăng được 2,83%, STB tăng 11,51%, EIB tăng 11,1%, CTG tăng 1,1%. 

Cùng thời kỳ, HNX-Index tăng 18,94% thì ACB mới tăng 16,5% (theo giá điều chỉnh), SHB tăng 17,8%, HBB từ giá thấp nhất sau khi chào sàn tăng 18,95%, NVB tăng 10%.

Trong khi đó, không khó để liệt kê hàng chục cổ phiếu tăng chóng mặt vài chục phần trăm, thậm chí làm “vòng hai” với tỉ suất lợi nhuận gộp rất cao.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm có mức độ sụt giảm giá mạnh nhất trên cả hai sàn. Hiện tượng này được giải thích từ sự căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng khi lãi suất huy động cao, tăng tưởng tín dụng thấp và biên lợi nhuận từ hoạt động cho vay giảm. Rất nhiều báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán khuyến cáo khách hàng ‘tránh xa” các cổ phiếu này.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tăng lãi suất cơ bản lên 9% ngày 5/11 và cho phép lãi suất huy động mang tính thị trường hơn để nâng giá trị đồng nội tệ, giải nhiệt cơn sốt ngoại tệ, giá cổ phiếu ngân hàng cũng không có chuyển biến tích cực. Đặc biệt làn sóng chạy đua lãi suất huy động sau đó khiến thị trường cho rằng thanh khoản của các ngân hàng có vấn đề. Lãi suất huy động tăng cao, lãi suất qua đêm lập kỷ lục là những mối lo của nhà đầu tư.

Trước đó, cổ phiếu ngân hàng cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thông tư 13 và thông tư 19, xiết chặt quy định về tỉ lệ an toàn vốn. Sức ép tăng vốn điều lệ trong năm 2010 cũng khiến thị trường lo ngại về khả năng đạt kế hoạch do cần một lượng vốn khổng lồ.

Tuy nhiên, có vẻ như hôm nay thị trường đã được giải tỏa lo ngại này. Theo thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông, hạn chót tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng cổ phần có thể được gia hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản kiến nghị Chính phủ gia hạn thời gian để các ngân hàng tăng vốn điều lệ thay vì phải thực hiện đúng hạn chót 31/12/2010 theo Nghị định 141 của Chính phủ. Theo nguồn tin chưa chính thức, Chính phủ đã chấp thuận gia hạn 6 tháng cho các ngân hàng.

Mặt khác, cơn sốt lãi suất huy động dường như sẽ dừng lại khi cơ quan quản lý tỏ ra “nặng tay” xử lý các hành động tăng lãi suất huy động quá cao, có thể gây bất ổn. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng khẳng định thanh khoản của các ngân hàng hiện đang rất tốt. Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu cảnh cáo và có thể sử dụng biện pháp mạnh để bình ổn lãi suất. Đây cũng là lần đầu tiên các ngân hàng cùng ký kết một cam kết kìm giữ lãi suất huy động dưới một ngưỡng xác định. Trước đó, sự đồng thuận được thị trường cho rằng chỉ mang tính hô hào hội nghị là chính.

Trước những động thái mới, nhà đầu tư cho rằng lãi suất và căng thẳng tiền tệ có thể đã đạt đỉnh. Chính sách tiền tệ khó có thể thắt chặt hơn nữa, đặc biệt là trong quý 1/2011 vì khi đó ảnh hưởng của chính sách thắt chặt sẽ bắt đầu thể hiện.

Phản ứng của thị trường hôm nay là rất tích cực. Thậm chí trước đó đã có những suy luận về sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian gần đây là nhằm mục đích “sưởi ấm” dòng tiền, “dọn đường” cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng. 

Lần đầu tiên trong hơn 10 tháng qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết nhận được lực cầu rất mạnh. Ngoài VCB cuối phiên tỏ ra đuối một chút, cả 7 mã cổ phiếu ngân hàng đều tăng kịch trần với lượng dư mua lớn. HBB dư mua trần 1,2 triệu cổ phiếu; ACB dư mua 895.000 đơn vị; SHB dư mua 1,19 triệu; STB dư 1,06 triệu, EIB, CTG cũng dư mua trần hàng trăm ngàn đơn vị.

Việc nhóm cổ phiếu này bứt phá là một tín hiệu tốt về dòng tiền. Cổ phiếu ngân hàng thường không mang tính đầu cơ vì nhiều nguyên nhân như lượng lưu hành lớn, tỉ lệ cổ đông cá nhân ít, sóng rất nhẹ trong quá khứ. Nếu một lượng lớn sức mua tập trung vào cổ phiếu ngân hàng hôm nay không phải là sự phản ứng nhất thời với thông tin dãn thời hạn tăng vốn thì rất có thể nhóm cổ phiếu này sẽ khởi sắc hơn thời gian tới.