11:26 29/04/2016

Việt Nam sắp gia nhập thị trường mới nổi?

An Huy

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, nhà cung cấp các chỉ số thị trường MSCI Inc. không chắc chắn là Việt Nam sắp đạt địa vị này

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa khoảng 64 tỷ USD, so với mức 250 tỷ USD của thị trường Philippines và 373 tỷ USD của Thái Lan.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa khoảng 64 tỷ USD, so với mức 250 tỷ USD của thị trường Philippines và 373 tỷ USD của Thái Lan.
Việt Nam tuyên bố sắp hội tụ đủ tiêu chuẩn của địa vị thị trường mới nổi (emerging market). Nếu được phân loại là một thị trường mới nổi, Việt Nam sẽ lọt vào tầm ngắm của các công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, nhà cung cấp các chỉ số thị trường MSCI Inc. không chắc chắn là Việt Nam sắp đạt địa vị này.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Bloomberg tại Hà Nội, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói rằng Việt Nam kỳ vọng đạt được tất cả các tiêu chuẩn của một thị trường mới nổi sớm nhất vào cuối năm nay.

Theo ông Sơn, trở ngại lớn nhất còn lại là điều chỉnh chính sách ngoại hối của Việt Nam để tạo sự di chuyển dễ dàng hơn cho các dòng vốn.

Ông Raman Subramanian, Giám đốc phụ trách nghiên cứu chứng khoán thuộc MSCI tại New York, không đồng tình với quan điểm mà ông Sơn đưa ra. Ông Subramanian nói rằng Việt Nam chưa nằm trong danh sách các quốc gia được cân nhắc để đưa vào nhóm các thị trường mới nổi.

Trong mấy năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khu vực quốc doanh vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, và thị trường chứng khoán Việt Nam mới đạt quy mô bằng khoảng 1/4 so với thị trường Philippines.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar là hai quốc gia mới đây nhất được MSCI đưa vào danh sách các thị trường mới nổi. Kể từ khi lọt danh sách này vào tháng 6/2013 đến nay, thị trường chứng khoán UAE và Qatar đã tăng ít nhất 1/3 điểm số.

“Nếu điều đó xảy ra [với Việt Nam], thì đó chắc chắn sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi”, ông Attila Vajda, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Project Asia Research & Consulting Pte tại Tp.HCM, nhận định. “Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được một dạng nhà đầu tư khác: các nhà đầu tư lớn”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa khoảng 64 tỷ USD, so với mức 250 tỷ USD của thị trường Philippines và 373 tỷ USD của Thái Lan. Theo thông tin trên website của MSCI, địa vị thị trường mới nổi đòi hỏi một quốc gia phải có độ mở lớn đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài và các dòng vốn dễ dàng di chuyển, cũng như mức thanh khoản và giá trị vốn hóa thị trường phải đạt mức độ tối thiểu nhất định.

“Tôi chưa nghe thấy ai nói rằng Việt Nam nên được đưa vào nhóm thị trường mới nổi”, ông Subramanian của MSCI nói. “Việt Nam chưa đủ điều kiện” và cần phải trải qua một quá trình mới có thể đạt được các điều kiện cần thiện, ông Subramanian phát biểu.

Từ năm ngoái, nhà đầu nước ngoài đã có thể nắm cổ phần 100% tại các công ty niêm yết thuộc một số ngành của Việt Nam. Trogn 18 ngành khác bao gồm giao thông vận tải, xây dựng và bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm quyền sở hữu tới một mức độ nhất định nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Ông Sơn cho biết, việc sáp nhập hai sàn chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2017. Một chỉ số tổng hợp sẽ được thiết lập và những sản phẩm mới như chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) và một thị trường phái sinh sẽ được hình thành.

Ông Sơn cũng nói rằng Chính phủ sẽ thả nổi một phần của sàn chứng khoán sau sáp nhập, nhưng điều này sẽ không xảy ra trước năm 2020. Ngoài ra, sàn giao dịch và các công ty niêm yết lớn sẽ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn khi công bố thông tin.

Kinh tế Việt Nam được Chính phủ dự báo tăng 6,7% trong năm nay, bằng với mức tăng của năm 2015, dù hạn hán và nguồn thu từ dầu suy giảm đang tạo ra những trở ngại.

Năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ở Việt Nam tăng 17,4%, đạt mức kỷ lục 14,5 tỷ USD. Lượng vốn ròng mà khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm ngoái đạt 100 triệu USD.

Tuy nhiên, giá trị giao dịch hàng ngày trên sàn Tp.HCM mới đạt khoảng 101 triệu USD, bằng chưa đầy 1/4 so với giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường Indonesia.

Theo ông Vajda của Project Asia, tình trạng thanh khoản thấp và hạn chế quyền sở hữu đối với nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải được cải thiện nhiều. Ông Vajda nói rằng, rất khó để một quỹ lớn đầu tư 100-200 triệu USD vào thị trường Việt Nam nếu quỹ đó muốn sự linh hoạt trong việc gia nhập và rút lui khỏi thị trường này.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 2,2%, thấp hơn mức tăng của thị trường Thái Lan và Indonesia, sau khi tăng 6,1% trong năm 2015. Ông Sơn nói ông kỳ vọng thị trường khoán Việt Nam năm nay sẽ tăng điểm nhiều hơn năm ngoái nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng, cũng như vốn FDI tiếp tục tăng.

“Chúng tôi đã đạt hoặc vượt một số tiêu chuẩn” của MSCI, ông Sơn nói. “Tôi nghĩ năm nay sẽ là một năm tích cực đối với thị trường”.