08:54 05/06/2018

Cổ phiếu công nghệ đưa chứng khoán Mỹ tăng điểm

Bình Minh

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 4/6 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 4/6 - Ảnh: Reuters.

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai nhờ sự dẫn đầu của cổ phiếu công nghệ, trong đó chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy.

Phiên này, các nhà đầu tư đặt cược vào sự duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, nhưng giá dầu giảm cũng gây sức ép lớn lên các cổ phiếu năng lượng.

Theo tin từ Reuters, giá cổ phiếu Apple lập kỷ lục nhờ sự đặt cược của giới đầu tư vào hội nghị thường niên các nhà phát triển ứng dụng của hãng. Ngoài ra, hãng phần mềm Microsoft cũng gây ấn tượng với một vụ thâu tóm giá "khủng". Những nhân tố này cùng chung sức đẩy chỉ số cổ phiếu công nghệ thuộc chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, cổ phiếu Amazon.com cũng tăng, kéo nhóm cổ phiếu tiêu dùng đi lên.

Thị trường vẫn đang tràn đầy sự hứng khởi nhờ dữ liệu việc làm tháng 5 khả quan hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước. Nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn còn đó nhưng dường như không còn là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.

"Động lực từ báo cáo việc làm đã lan sang cả phiên giao dịch ngày thứ Hai và giúp đẩy giá cổ phiếu tăng cao hơn", bà Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của công ty Invesco ở New York, nhận định.

Nhưng dù ấn tượng "khi thấy một báo cáo việc làm khả quan đến vậy giữa lúc nền kinh tế đã có một thời gian tăng trưởng kéo dài", bà Hooper tỏ ra lo ngại về tuyên bố của Chính phủ Mỹ hồi tuần trước về việc áp thuế quan thép và nhôm lên châu Âu, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn cho các đối tác này.

"Tình hình việc làm khả quan sẽ lùi vào dĩ vàng khi mà những hành động bảo hộ ảnh hưởng đến tương lai", bà Hooper nói. "Các nhà đầu tư có thể sẽ bất ngờ khi có ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế năm nay do chủ nghĩa bảo hộ".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,72%, đạt 24.813,69 điểm. S&P 500 tăng 0,45%, đạt 2.746,87 điểm. Nasdaq tăng 0,69%, đạt 7.606,46 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 trở thành "cú huých" tăng điểm mạnh nhất của chỉ số này, với mức tăng đạt 0,8%.

Tại hội nghị thường niên các nhà phát triển phần mềm của hãng, Apple trình làng hệ điều hành mới nhất iOS 12. Lúc đóng cửa, cổ phiếu "quả táo" tăng 0,8%. Các nhà đầu tư cũng hào hứng khi Microsoft tuyên bố mua lại GitHub, một nền tảng dành cho các nhà phát triển ứng dụng, với giá 7,5 tỷ USD.

Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu trở thành nhóm có mức tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500, với mức tăng 1,1%. Trái lại, nhóm năng lượng là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số này, với mức giảm 0,9%, do giá dầu tiếp tục đi xuống vì nỗi lo Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu.

Ngoài báo cáo việc làm tốt, bà Hooper cũng cho rằng giá dầu giảm mạnh đang giúp ích cho tâm lý của các nhà đầu tư về cổ phiếu tiêu dùng.

Cổ phiếu một số công ty dược biến động mạnh phiên này. Trong đó, cổ phiếu Nektar Therapeautics sụt 41,8% sau khi kết quả thử nghiệm một loại thuốc chống ung thư của hãng khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Trái lại, cổ phiếu hãng dược Merck tăng 2,4% sau khi có kết quả khả quan về thử nghiệm thuốc chống ung thư phổi Keytruda do hãng sản xuất.

Cổ phiếu hãng chế tạo máy bay Boeing tăng 1,1%, trở thành cú huých tăng điểm mạnh nhất cho Dow Jones, sau khi hãng tuyên bố sẽ hợp tác với công ty hàng không Safran của Pháp để sản xuất phụ tùng máy bay.

Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,83 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,35 lần.

Có tổng cộng 6,5 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,6 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.