12:13 21/09/2023

Cổ phiếu lại quay đầu giảm la liệt, khối ngoại tiếp tục xả “khủng”

Kim Phong

Dù FED đêm qua không tăng lãi suất, nhưng lập trường cứng rắn về chống lạm phát và hé mở khả năng vẫn còn một đợt tăng nữa vào dịp cuối năm nay đã tác động mạnh lên chứng khoán quốc tế. Thị trường trong nước sáng nay không thể tiếp nối đà hưng phấn hôm qua, trái lại, rơi vào một đợt sụt giảm trên diện rộng dưới áp lực của hoạt động lướt sóng ngắn hạn. Số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp rưỡi số tăng và khối ngoại lại có thêm một ngày xả ròng lớn nhất 6 phiên...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất lại "dìm" chỉ số.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất lại "dìm" chỉ số.

Dù FED đêm qua không tăng lãi suất, nhưng lập trường cứng rắn về chống lạm phát và hé mở khả năng vẫn còn một đợt tăng nữa vào dịp cuối năm nay đã tác động mạnh lên chứng khoán quốc tế. Thị trường trong nước sáng nay không thể tiếp nối đà hưng phấn hôm qua, trái lại, rơi vào một đợt sụt giảm trên diện rộng dưới áp lực của hoạt động lướt sóng ngắn hạn. Số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp rưỡi số tăng và khối ngoại lại có thêm một ngày xả ròng lớn nhất 6 phiên.

VN-Index xanh nhẹ gần 2 điểm lúc 9h35 nhưng nhanh chóng quay đầu lao dốc. Đà giảm liên tục mà không có bất kỳ nhịp hồi rõ rệt nào, kết phiên sáng chỉ số giảm 6,03 điểm tương đương -0,49%. Độ rộng chỉ còn 188 mã tăng/294 mã giảm.

Diễn biến sụt giảm này không phải là bất ngờ vì diễn biến khá bất lợi từ chứng khoán thế giới xuất hiện khi quan điểm của FED về kiềm chế lạm phát rất cứng rắn. Tỷ giá USD do Vietcombank bán ra sáng nay báo giá 24.465 đồng cho mỗi USD. Trên thị trường, lượng cổ phiếu bắt đáy sinh lời tốt cũng khuyến khích hoạt động lướt sóng T+.

Thanh khoản khớp lệnh trên 2 sàn niêm yết sáng nay giảm gần 5% so với sáng hôm qua, trong đó HoSE giảm hơn 2%, đạt 8.222 tỷ đồng. Dòng tiền mua đã không tăng thêm mà có tín hiệu giảm, trong khi áp lực bán ngắn hạn lại tăng. Hệ quả là cổ phiếu quay đầu điều chỉnh trên diện rộng: Lúc 9h40 độ rộng của VN-Index vẫn còn là 236 mã tăng/155 mã giảm.

Nhóm blue-chips VN30 vẫn thể hiện sự yếu ớt khi từ chỗ chỉ có 2 mã giảm, đến cuối phiên đã thành 22 mã giảm/4 mã tăng. Biên độ đảo chiều giá ở nhóm này khá lớn ngay cả với những cổ phiếu mạnh nhất. Hiện HPG, GVR, ACB và BVH là 4 cổ phiếu duy nhất tăng, nhưng GVR tụt giảm trong phiên sáng tới 2,1% so với đỉnh và chỉ còn trên tham chiếu 0,43%. HPG cũng trả lại 1,03%, còn tăng 1,41% so với tham chiếu.

Nhóm trụ hàng đầu cũng rất đuối. VCB giảm 0,8%, BID giảm 0,77%, GAS giảm 1,47%, VIC giảm 1,12%, VNM giảm 1,02%, CTG giảm 0,62%, VPB giảm 0,46%, FPT giảm 0,81%. Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ còn HPG tăng 1,41% và VHM tham chiếu.

Vn-Index lao dốc liên tục sáng nay.
Vn-Index lao dốc liên tục sáng nay.

Trên bình diện chung, HoSE mới có 80 cổ phiếu chốt giảm trên 1% so với tham chiếu, nhưng có tới 180 cổ phiếu trượt giá trên 1% so với mức đỉnh đầu phiên, số lượng chiếm 52% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch. Những mã chịu áp lực bán lớn, thanh khoản rất cao và giá lao dốc mạnh có thể kể tới là SSI giảm 1,65% giao dịch 407,1 tỷ đồng; MWG giảm 2,15% với 228,6 tỷ; VIX giảm 2,03% 214,7 tỷ; DXG giảm 1,08% với 182,2 tỷ…

Duy nhất nhóm vốn hóa nhỏ đi ngược thị trường về tổng thể: chỉ số Midcap giảm 0,65%, Smallcap tăng 0,52%, nhưng vẫn có một số cổ phiếu ở mỗi nhóm đạt sức mạnh riêng. HoSE có 65 mã đang tăng trên 1%, nổi bật là NVL, HSG, LCG, NKG, TCH với giao dịch đều trên trăm tỷ đồng. REE, BCG, HAG, VPG, AAA, HAH, TLH cũng đạt thanh khoản khá cao. Dù vậy chỉ một phân ba số cổ phiếu đang tăng trên 1% là có thanh khoản hơn 10 tỷ đồng mà thôi.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ra khoảng 706,3 tỷ đồng trên sàn HoSE, không mạnh hơn sáng hôm qua nhưng mua vào quá ít. Cụ thể, tổng giải ngân mới đạt 268 tỷ đồng, giảm 40% so với sáng hôm qua và thấp kỷ lục kể từ đầu tháng 7/2023. Do đó vị thế bán ròng lại tới 438,2 tỷ. HPG đang bị xả lớn nhất -126,8 tỷ đồng, còn lại đáng kể là VIC -38,6 tỷ, MWG -31,2 tỷ, MSN -25,8 tỷ, GEX -24,8 tỷ, VNM -24 tỷ, SSI -21,7 tỷ. Phía mua duy nhất FPT là đáng kể với 36,6 tỷ đồng ròng.