17:26 08/04/2024

Cơ quan thuế sẽ hoàn thuế đúng hạn, khi phát giác gian lận sẽ thu hồi và xử phạt sau

Ánh Tuyết

Để đẩy nhanh hoạt động hoàn thuế, Tổng cục Thuế giao các đơn vị trong ngành giải quyết đúng hạn, nếu phát hiện gian lận thì thu hồi và xử phạt sau...

Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp cung cấp đầu vào của doanh nghiệp hoàn thuế và thanh kiểm tra khi có rủi ro.
Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp cung cấp đầu vào của doanh nghiệp hoàn thuế và thanh kiểm tra khi có rủi ro.

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 1253/TCT-KK thực hiện quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2024.

MỞ RỘNG ĐÁNH GIÁ RỦI RO, THANH TRA DOANH NGHIỆP CUNG CẤP ĐẦU VÀO

Theo cơ quan này, năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực tinh bột sắn , dăm gỗ, sản phẩm điều... kêu ca vì cơ quan thuế "om" hồ sơ hoàn thuế kéo dài nhiều năm thay vì giải quyết theo đúng quy định; đồng thời xếp loại doanh nghiệp buộc kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Điều này khiến khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị ngành thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng của toàn ngành thuế các tháng cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả tích cực.

Tính chung năm 2023, cơ quan thuế ban hành khoảng 20.000 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khấu hàng hóa. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm tra hoàn thuế được thực hiện hiệu quả, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về hóa đơn và hoàn thuế giá trị gia tăng.

 

"Tuy nhiên, tại một số cục thuế tỉnh, thành phố chưa chủ động trong tổ chức thực hiện công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng", Tổng cục Thuế nêu rõ bất cập.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, trong năm 2024, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế khẩn trương thực hiện 4 nhiệm vụ chính. 

Thứ nhất, Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn, có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

"Đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn (6 ngày làm việc đối với hồ sơ được phân loại hoàn thuế trước và 40 ngày đối với hồ sơ được phân loại kiểm tra trước kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế); đảm bảo giải quyết hoàn thuế đúng đối tượng và trường hợp được hoàn theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế", Tổng cục Thuế đề nghị.

Thứ hai, rà soát các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và dự án đầu tư trên địa bàn để chủ động tuyên truyền, hướng dẫn ngay từ khâu kê khai hồ sơ khai thuế, kê khai hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thủ tục về hoàn thuế theo quy định, để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế các vướng mắc trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Thứ ba, tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng thành phần, thủ tục hồ sơ quy định tại Điều 28 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Trường hợp hồ sơ chưa được chấp nhận do chưa đủ thủ tục thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế ghi rõ lý do không chấp nhận hồ sơ theo quy định.

Đáng chú ý, trong công văn này, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị tập trung rà soát, thu thập thông tin các bên liên quan. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ thứ tư, đối với các doanh nghiệp được hoàn thuế, đề nghị cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phân công các đơn vị chủ động rà soát, thu thập thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng, thông tin về các bên liên quan gồm: bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế, thông tin khách hàng nhập khẩu của doanh nghiệp hoàn thuế... theo các kỳ hoàn thuế.

Trên cơ sở đó, lựa chọn đối tượng để thực hiện kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với doanh nghiệp được hoàn thuế và thanh tra, kiểm tra các bên liên quan.

"Trường hợp phát hiện bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ có rủi ro cao, cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế theo quy định; hoặc có văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế", lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu rõ.

Cơ quan thuế quản lý bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế phải đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra để thực hiện thanh tra, kiểm tra bên cung cấp hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp hoàn thuế; hoặc kịp thời cung cấp thông tin về việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp hoàn thuế.

Trường hợp qua phân tích, đánh giá, nếu xác định bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện rủi ro cao thì trả lời cho cơ quan thuế quản lý hoàn thuế biết.

NGĂN GIAN LẬN HOÀN THUẾ

Để ngăn gian lận hoàn thuế, cơ quan thuế thực hiện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện các công việc để giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng được phân loại kiểm trước đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho người nộp thuế lý do chưa thực hiện hoàn thuế do còn phải xác minh đảm bảo công khai, minh bạch.

"Cơ quan thuế phải thực hiện giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế đối với số thuế có kết quả kiểm tra, xác minh đủ điều kiện hoàn, không chờ kết quả xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC", Tổng cục Thuế yêu cầu.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng chưa đủ điều kiện hoàn thuế hoặc không được hoàn thuế thì cục thuế ban hành văn bản thông báo trả lời cho người nộp thuế biết.

 

"Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì cơ quan thuế thu hồi số tiền thuế hoàn, xử phạt và tính tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định, đồng thời doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình", Tổng cục Thuế nêu rõ quy trình.

"Với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chưa phát hiện các hành vi gian lận thuế thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định", Tổng cục Thuế yêu cầu.

Cùng đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa việc lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước.

Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế cơ quan thuế phát hiện hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước thi củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý.

Công tác kiểm tra để giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế yêu cầu đẩy mạnh việc khai thác và tổng hợp thông tin từ hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện có của ngành và thông tin nhận được từ bên thứ ba (hải quan, ngân hàng...) để thực hiện kiểm tra, giám sát việc hoàn thuế theo quy định của pháp luật. 

Các hồ sơ được phân loại kiểm tra trước hoàn thuế, cục thuế tổ chức thực hiện phân công, triển khai việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế ngay khi tiếp nhận hồ sơ.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát sinh lý do bất khả kháng, không thể tiếp tục thực hiện kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người ban hành quyết định kiểm tra để ban hành thông báo tạm dừng kiểm tra.

Quá thời gian giải quyết hoàn thuế mà chưa có kết quả trả lời từ phía cơ quan chức năng, cục thuế có văn bản đôn đốc, đề nghị cơ quan chức năng có ý kiến về lý do của việc chưa cung cấp được thông tin; thực hiện kết thúc kiểm tra đúng thời hạn và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 34 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật. 

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế và các hành vi vi phạm pháp luật khác nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước thì phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương giải quyết, xử lý dứt điểm các hồ sơ đề nghị hoàn thuế còn tồn đọng từ năm 2023 chuyển sang, đảm bảo thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế thì có quyền thực hiện khiếu nại, khởi kiện theo quy định pháp luật về quản lý thuế.