Còn nhiều điểm yếu trong thu ngân sách nhà nước
3 khu vực không đạt dự toán là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh
Trong khi Bộ Tài chính khá tự hào về kết quả thu ngân sách nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước, mặc dù ghi nhận Chính phủ có nhiều giải pháp tích cực, chủ động phấn đấu hoàn thành dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, nhưng cũng cấp tập chỉ ra nhiều điểm yếu kém của lĩnh vực này.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm Chính phủ ước thực hiện vượt 39,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3% dự toán, theo Kiểm toán Nhà nước, đây là con số thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây. Quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán.
Đa số địa phương hụt thu ngân sách
Năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí bằng 20,7% GDP, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 21% GDP. Thu ngân sách trung ương đạt 100,8% so với dự toán, chiếm tỷ trọng 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2018 từ 60-65%. 3 khu vực không đạt dự toán là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc còn dẫn thêm con số rất đáng lưu ý nữa là qua số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của các địa phương gửi Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó, hai đầu tàu Tp.HCM, Tp. Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc ước hụt thu 2 năm liên tiếp, năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao. Một loạt các địa phương được coi là nơi có kinh tế phát triển rất sôi động đều nằm trong danh sách 22 địa phương này như Bình Dương chỉ đạt 90,5% dự toán giao, Hải Phòng 94%, Hải Dương 94%, Đồng Nai 83%, Bà Rịa - Vũng Tàu 97%, Lạng Sơn 81,6%, Đà Nẵng 93,7%...
Nhưng có vẻ như diễn biến này cũng không có gì phải "tâm tư". Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 3 năm qua (2016-2018), dự toán thu ngân sách nhà nước đều vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước 3 năm đạt 54-55% trong tổng thu của cả giai đoạn, nhưng tăng trưởng kinh tế ở mức 52-53%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 24,9% GDP; huy động từ thuế, phí đạt 21% GDP.
Cơ cấu thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng dần, đến hết năm 2018 đạt xấp xỉ 82%, mục tiêu đến năm 2020 đạt 84%. Về tổng thể đảm bảo gần đạt dự toán thu ngân sách nhà nước.
Tốc độ thu vẫn tăng khá cao
Lý giải về việc thu từ 3 khu vực là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán, ông Dũng cho hay, năm 2018, tuy khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 97,1%; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8%, nhưng trên thực tế, tốc độ thu của 3 khu vực này đều tăng khá cao so với thực hiện năm 2017. So với năm 2017, năm 2018, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,7%; doanh nghiệp FDI tăng 10,4%; và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 17,7%.
Tính chung tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế này là 12,8%. Đó là mức tăng tích cực so với thực hiện năm 2017, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Cùng đó, các khu vực này không đạt dự toán, do năm 2018 giao dự toán cao trên cơ sở đánh giá mức thực hiện cao, nhưng thực tế kết quả lại thấp. Ví dụ năm 2018 giao dự toán cho khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng so với năm 2017 là 13,1%; khu vực doanh nghiệp FDI là 30,1%; và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giao tăng 20,4%.
Đối với các địa phương, do tốc độ giao dự toán năm 2018 tăng so với năm 2017, cụ thể, Hà Nội dự toán giao thu nội địa năm 2018 tăng 24,5% so với năm 2017; Đà Nẵng tăng 24,8%; Tp.HCM tăng 24,5%; Bình Dương tăng 27,7%; Đồng Nai tăng 19,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,5%...
Giao dự toán năm 2019, Bộ Tài chính đã điều chỉnh lại ở các địa phương cho phù hợp, như Hà Nội, năm 2019 giao thu nội địa tăng 12,9% (năm 2018 tăng đến 24,5%); Hải Dương là 8,8%; Vĩnh Phúc 4,6%; Đà Nẵng 15,6%; Tp.HCM còn 12,9% (năm 2018 là 24,5%)...
Kiểm toán "bắt lỗi" ngành thuế
Hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính có vẻ như ngày càng khó "cơm lành canh ngọt" cùng nhau. Như tại phiên thảo luận về dự Luật Quản lý thuế vừa diễn ra ở Kỳ họp thứ 6, ngay khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói, "cơ quan thuế, hải quan trong thời gian vừa qua đã chấp hành rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước. Khi cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiểm toán tại cơ quan thuế có đối chiếu với các doanh nghiệp thì phát sinh thêm số tăng thu cho ngân sách, nhưng có người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện".
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lập tức phản ứng, "Bộ trưởng nói vì kiểm toán thực hiện việc đối chiếu thuế sai nên các đối tượng nộp thuế kiện liên lụy đến các cơ quan thuế. Tôi xin khẳng định với Bộ trưởng là tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện".
Trước Quốc hội, ông Phớc cũng "bắt lỗi" việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu là hết sức lớn. Ví dụ kiểm toán đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Riêng việc kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm ngoái ngành thuế vi phạm hoàn thuế sai là 1.496 tỷ đồng.