17:00 01/09/2023

Công nghệ giáo dục và bài toán thu hút người dùng

Tuệ Mỹ -
Sự bùng nổ về công nghệ đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục: thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và tốn ít chi phí hơn. Tuy nhiên, Edtech lại yêu cầu học sinh phải chủ động, có tinh thần tự học cao và ngồi máy tính thường xuyên – điều nhiều phụ huynh không mong muốn...

Theo Tracxn Technologies, có khoảng hơn 300 doanh nghiệp Edtech tại Việt Nam, trong đó hầu hết là các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp theo mô hình B2C (Doanh nghiệp tới Người tiêu dùng). Với số lượng học sinh phổ thông chiếm tới hơn 20% dân số, các dòng sản phẩm Edtech tập trung vào phân khúc này là lớn nhất. Phân khúc thứ 2 nổi trội về sản phẩm công nghệ giáo dục là phân khúc đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, đào tạo cho người đi làm.

CUỘC CHIẾN GIÀNH THỊ PHẦN

Một thị trường bùng nổ nhanh chóng thường đem đến những thách thức. Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận rằng giáo dục trực tuyến nói riêng và Edtech nói chung đang có tốc độ phát triển cao, nhưng nhu cầu và thói quen học trực tiếp vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Thứ hai, thị trường Edtech sôi động đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp tham gia và cạnh tranh bằng mọi giá. Các công ty cần phải có những chiến lược riêng để nổi bật và giải quyết được những nhu cầu thiết thực, từ đó thu hút và giữ chân người dùng. 

“Việc thu hút khách hàng ngày càng trở nên tốn kém và tốn thời gian hơn ngay cả đối với những người chơi hiện đang ghi dấu ấn trong lĩnh vực này. Các công ty khởi nghiệp Edtech nhắm vào phân khúc K-12 cần phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng để vượt qua thách thức”, đại diện quỹ đầu tư Nextrans cho hay.

Theo Nextrans, các công ty công nghệ giáo dục năm 2019 đã chi đến 25% doanh thu cho việc tiếp thị sản phẩm. Đối với các công ty khởi nghiệp, số tiền này là khoảng 11,5%. Đến năm 2021, chỉ số này dường như đã tăng lên. Ví dụ, công ty công nghệ giáo dục Unacademy (Ấn Độ) đã chi khoảng 53 triệu USD (khoảng 104% doanh thu) cho hoạt động tiếp thị và bán hàng, đồng nghĩa chấp nhận chịu một khoản lỗ lớn.

Việc các ứng dụng không chỉ có thêm người dùng mà còn giữ được người dùng lâu dài là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Việc các ứng dụng không chỉ có thêm người dùng mà còn giữ được người dùng lâu dài là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Chi phí thu hút khách hàng cao, ngược lại doanh thu trên mỗi người dùng thấp hơn rất nhiều so với chi phí để có được người tiêu dùng đó. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư đánh giá rằng, các công ty Edtech Việt Nam cũng đang thiếu đi các công nghệ đột phá để thu hút người dùng.

Tuy vậy, theo đánh giá của công ty đầu tư mạo hiểm Nextrans, ở một mức độ nào đó, các công ty khởi nghiệp Edtech không nhất thiết phải sử dụng những công nghệ quá tiên tiến. Điều quan trọng là phải làm sao để người học cảm thấy hứng thú với nội dung và tiếp tục học. Để đạt được điều đó, các startup cần tận dụng những công nghệ phù hợp, đồng thời xây dựng những nội dung chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng thị phần lớn nhất mà một startup có thể nắm đạt khoảng 35%, bởi giáo dục mang tính cá nhân hóa rất cao nên gần như không có giải pháp giáo dục nào phù hợp với tất cả mọi người. Để giành được thị phần tiềm năng này, các startup phải có 2 năng lực là tuyển sinh với chi phí thấp nhất và giữ chân học sinh ở lại.

Câu chuyện này trong thị trường giáo dục lại càng thách thức, bởi các bậc phụ huynh ngày nay có năng lực tìm kiếm thông tin cao và rất cẩn trọng, nếu thấy không hiệu quả sẵn sàng rời đi. Vì thế, các startup cần tìm một phương án tuyển sinh bền vững, không phụ thuộc vào các các chương trình khuyến mãi, quảng cáo...

Năm 2023, thị trường Edtech Việt Nam ghi nhận hơn 300 startups đang chạy đua để ứng dụng AI vào các giải pháp giáo dục Sự cạnh tranh gay gắt buộc các công ty phải cải tiến liên tục, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người học. Cùng với sự nhấn mạnh vào giáo dục hiệu quả và độc lập, kỷ nguyên AI Edtech tại Việt Nam bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Ngày 31/8, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã tổ chức tọa đàm  “Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập” . Ảnh: Việt Dũng
Ngày 31/8, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy đã tổ chức tọa đàm  “Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập” . Ảnh: Việt Dũng

Dự đoán, thị trường Edtech với xu hướng ứng dụng AI để cá nhân hóa học tập sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Cuối năm 2023, tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam sẽ tăng lên 75%, theo báo cáo của DataPortal năm 2022, từ đó sẽ giúp các startups Edtech tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng hơn. Sự nở rộ của các mô hình đầu tư giáo dục tư thục, trường quốc tế cũng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, mở ra nhiều cơ hội cho công nghệ giáo dục. Đặc biệt, người Việt Nam rất coi trọng giáo dục, với ước tính gần 15% ngân sách Nhà nước và 38% ngân sách hộ gia đình là dành cho giáo dục.

VẤN ĐỀ SỐNG CÒN CỦA DOANH NGHIỆP

Tại tọa đàm “Edtech Việt Nam & xu hướng cá nhân hóa trong học tập” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức ngày 31/8/2023, bà Đào Lan Hương, CEO học viện công nghệ Teky cho rằng ngoài việc phát triển người dùng ban đầu thì việc người dùng có quay trở lại hay không cũng rất là quan trọng.

“Các giải pháp về marketing mà chúng ta thường áp dụng hiện nay như tặng quà miễn phí hay tổ chức các cuộc thi… thực chất chính là chi phí đầu tư. Chúng ta cũng mất rất là nhiều phí cho việc phát triển nội dung, cập nhập công nghệ trong khi quảng cáo trực tuyến thì ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Cho nên việc các ứng dụng không chỉ có thêm người dùng mà còn giữ được người dùng lâu dài là vấn đề sống còn của doanh nghiệp”, bà Hương nhấn mạnh.

TS.Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng
TS.Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng việc Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có giải pháp công nhận bằng cấp từ học trực tuyến sẽ khiến cho các mô hình Edtech dù áp dụng công nghệ hiện đại đến mấy cũng vẫn phải giải quyết bài toán offline, tức là có nơi tương tác hay giáo viên kèm cặp để học viên hoàn thành các kỳ thi quan trọng.

Theo TS.Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong thời gian tới bản thân các doanh nghiệp Edtech cần phải chủ động hơn để đưa ra những khuyến nghị, những đề xuất về cách thức tổ chức các khóa học trực tuyến trong cái phạm vi cho phép để từ đó thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Trí Hiển, Đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Việt Nam, cho rằng chất lượng sản phẩm Edtech cần được nghiên cứu chi tiết hơn từ góc độ người dùng và phải đặt người dùng lên vị trí cao nhất thì mới có thể có chỗ đứng và phát triển trên thị trường.

“Công nghệ càng ngày càng mở rộng và AI cũng đang phát triển rất là mạnh mẽ nên công nghệ giáo dục phải giải được bài toán liên quan đến trải nghiệm học tập tốt hơn và cân bằng về mặt tài chính”, ông Hiển nói. “Nếu có thể linh hoạt kết hợp giữa nội dung và công nghệ, Edtech sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn khai thác các khoản chi tiêu cho giáo dục ở thị trường Việt Nam”.

Video xem nhiều