Công ty Trung Quốc rót vốn cho hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới
Dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới khi hoàn thành sẽ nối giữa thủ đô của hai nước Phần Lan và Estonia
Dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới, mà khi hoàn thành sẽ nối giữa thủ đô của hai nước Phần Lan và Estonia, vừa đạt một thỏa thuận cấp vốn trị giá 15 tỷ Euro, tương đương 17 tỷ USD.
Theo hãng tin Bloomberg, đây là số vốn được cấp bởi công ty Touchstone Capital Partners của Trung Quốc và sẽ được dùng để trang trải toàn bộ chi phí của dự án. Thỏa thuận cấp vốn được công bố vào ngày thứ Sáu bởi công ty chịu trách nhiệm về dự án hầm đường sắt nói trên, Finest Bay Area Development Oy.
1/3 số vốn đầu tư này sẽ được cấp dưới dạng đầu tư cổ phần tư nhân, mang lại cho Touchstone một cổ phần thiểu số trong dự án đường hầm. 2/3 số vốn sẽ được cấp dưới dạng cho vay - theo nội dung thỏa thuận đã được hai bên ký kết.
Nối giữa Helsinki và Tallinn, hầm đường sắt xuyên biển này có chiều dài hơn 100 km, đòi hỏi phải xây dựng ít nhất một hòn đảo nhân tạo. Dự án là sáng kiến của doanh nhân người Phần Lan Peter Vesterbacka, người từng giữ cương vị Giám đốc marketing của Rovio Entertainment Oyj - công ty sản xuất game với những trò nổi tiếng như Angry Birds.
Chính phủ hai nước Phần Lan và Estonia từng tuyên bố sẽ tìm nguồn vốn trong Liên minh châu Âu (EU) cho dự án nhằm giảm nhu cầu huy động vốn tư nhân. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho dự án này cuối cùng đã được cung cấp bởi một công ty Trung Quốc.
Theo dự kiến, số vốn mà Touchstone cam kết rót cho dự án sẽ được cung cấp thành các gói theo tiến độ dự án. Chi tiết cụ thể của hợp đồng cấp vốn dự kiến sẽ được các bên đàm phán trong 6 tháng tới.
Hiện cũng chưa rõ Touchstone đã huy động được số vốn nói trên để cấp cho dự án hay mới dừng ở cấp độ cam kết.
Hãng tin Reuters cho biết, việc Touchstone cấp vốn cho dự án hầm đường sắt xuyên biển dài nhất thế giới đưa dự án này vào khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Đây là sáng kiến nhằm kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường sắt với khu vực Đông Nam và Trung Á, tới Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Mạng lưới kết nối này sẽ chạy dọc theo các tuyến của Con đường tơ lụa cổ xưa.
Về phần mình, Phần Lan và Estonia từ nhiều năm qua đã mong muốn kết nối thủ đô của hai nước, hai thành phố nằm hai bên bờ Vịnh Phần Lan. Khi hoàn tất, dự án đường hầm sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa Helsinki và Tallinn xuống còn 20 phút đồng hồ, từ chỗ di chuyển bằng phà mất 2 tiếng hiện nay.