08:35 09/09/2021

Covax giảm 30% mục tiêu cung cấp vaccine cho các nước nghèo trong 2021

Điệp Vũ

Covax, sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước nghèo, cắt giảm 30% mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm nay...

Nhãn dán Covax trên một lô vaccine AstraZeneca cung cấp cho Ghana vào tháng 2/2021 - Ảnh: Reuters.
Nhãn dán Covax trên một lô vaccine AstraZeneca cung cấp cho Ghana vào tháng 2/2021 - Ảnh: Reuters.

Theo tin từ Reuters, sau khi công bố cắt giảm mục tiêu cung cấp vaccine, người đứng đầu Liên minh Vaccine Gavi - đơn vị tài trợ cho COVAX cùng với WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) và Liên minh Sáng kiến sẵn sàng cho đại dịch (CEPI) - kêu gọi các nước giàu chia sẻ thêm vaccine.

Trong một tuyên bố chung, các tổ chức trên nói rằng quyết định cắt giảm mục tiêu phân phối vaccine còn 1,425 tỷ liều trong năm nay xuất phát từ một số nguyên nhân, bao gồm việc Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - một nhà cung cấp vaccine lớn - hạn chế xuất khẩu.

Những vấn đề về sản xuất vaccine tại các hãng Johnson & Johnson và AstraZeneca, cũng như việc trì hoãn cấp phép cho các vaccine mới - bao gồm vaccine của hãng công nghệ sinh học Mỹ Novavax và vaccine của công ty dược Trung Quốc Clover Biopharmaceuticals - cũng dẫn tới nguồn cung vaccine bị hạn chế.

“Điều này dĩ nhiên là tin xấu đối với cả thế giới. Chúng ta đều đã thấy những hậu quả tồi tệ ăn sâu bám rễ khi virus được để mặc lây lan”, Giám đốc điều hành Gavi, ông Seth Berkley, phát biểu tại một cuộc họp báo.

“Chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa” khi những đối tượng như nhân viên y tế và người già tại các nước thu nhập thấp đang rất cần được bảo vệ - ông Berkley nói thêm.

Tuyên bố chung cho biết thay vì vào cuối năm nay, cột mốc phân phối 2 tỷ liều vaccine thông qua Covax có thể đạt được trong quý 1/2022.

Dữ liệu của Reuters cho thấy đến nay thế giới đã có 221 triệu người nhiễm và 4,76 triệu người tử vong do Covid-19.

Ông Berkley kêu gọi những nước đã đáp ứng được nhu cầu vaccine trong nước nên dừng việc gom mua vaccine. Một số nước giàu đang có kế hoạch tiêm mũi nhắc lại vì lo ngại hiệu quả của chế độ tiêm hai mũi giảm dần theo thời gian, nhưng ông Berkley nói chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự cần thiết phải tiêm tăng cường đại trà.

“Nếu nguồn cung vaccine là vô tận, chúng ta có thể dùng thoải mái cho việc thử nghiệm, nhưng tôi cho rằng ở thời điểm này chúng ta cần tập trung vaccine cho những nơi cần”, ông nhấn mạnh.