08:18 18/05/2013

Cử tri muốn Quốc hội sớm giám sát về bauxite

Nguyên Vũ

Cử tri Tp.HCM đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát nhiều vấn đề đang nổi lên gây bức xúc trong dư luận

Cử tri đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về các dự án bauxite, 
đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát 
chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án 
nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.
Cử tri đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về các dự án bauxite, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.
Lo lắng trước tình hình biển Đông, kiến nghị nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cử tri Tp.HCM cũng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát nhiều vấn đề đang nổi lên gây bức xúc trong dư luận.

Tổng hợp ý kiến từ 349 lượt phát biểu trong tổng số 6147 cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp, đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương nhiều kiến nghị của cử tri thành phố.

Cần động thái quyết liệt hơn trước tình hình biển đông

Cùng tâm tư với cử tri ở nhiều vùng miền trên cả nước, cử tri Tp.HCM lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Đồng thời đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo.

Người dân Tp.HCM cũng cho rằng cần tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biến, tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân.

Về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến đặt vấn đề mặc dù dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các dự án Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắc Nông) và dự án xây dựng cảng vận chuyển Kê Gà vẫn đang  triển khai thực hiện.

Cử tri đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát về các dự án này, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội.

Vẫn theo kết quả được tổng hợp để gửi đến các cơ quan Trung ương, cử tri thành phố lo lắng trước tình hình bất ổn của thị trường vàng, việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, chưa kéo được chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước và việc sử dụng vàng.

Đề nghị của nhiều công dân với Nhà nước là cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương là không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết.

Liên quan đến sai phạm trong vụ Vinashine, Vinaline đã được nêu tại nhiều kỳ họp, cử tri tiếp tục đề nghị cần công khai hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm tại các doanh nghiệp này.

Nhiều ý kiến tại các buổi tiếp xúc còn đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của người dân; việc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; công tác quản lý nợ công và đầu tư công…

Mạnh tay tái cấu trúc nợ ngân hàng

Nhận xét các chính sách vĩ mô còn thiếu hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, nhiều chủ trương, chính sách không ổn định, cử tri đề nghị cần tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kiến nghị được cử tri nêu với Chính phủ là có chính sách ổn định trong thời gian dài để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, tránh tình trạng doanh nghiệp đang hoạt động từ lãi chuyển thành lỗ do thay đổi chính sách như thời gian qua (thay đổi tỷ giá USD, cách tính thuế, biểu thuế đất...).

Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng phản ánh ý kiến các doanh nghiệp là cần có một cơ chế mạnh để tái cấu trúc lại món nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp được vay vốn. Đề nghị cho phép các doanh nghiệp được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8% đến 10%/năm.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp vay vốn, phát triển đầu tư thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ vào khoảng 2,5%- 3% là vừa. Đồng thời, giảm bớt thủ tục không cần thiết, cho phép các doanh nghiệp thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi.... Có ý kiến đề nghị nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp, có phương án khả thi thì ngân hàng không dựa vào việc trước đây từng trả vốn chậm để không cho vay. Hoặc đối với những doanh nghiệp thực sự có tài sản thế chấp, có dự án khả thi thì dù đang lỗ vẫn xem xét giải quyết cho vay.

Vẫn liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với tất cả các ngành nghề từ ngày 1/7/2013.

“Phê” Chính phủ điều hành chưa tốt

Liên quan đến công tác đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí , cử tri đề nghị cần có những giải pháp đồng bộ, kiên quyết và hữu hiệu hơn nữa. Giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, có hình thức chế tài cụ thể đối với cá nhân, tập thể khi để xảy ra tham nhũng.

Bên cạnh đó, cử tri cho rằng việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa được thể hiện cụ thể bằng hành động, còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực tế. Cử tri mong muốn vấn đề này phải thể hiện bằng hành động cụ thể, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước.

Nhận xét công tác quản lý, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua chưa tốt, nhiều chính sách đưa ra chưa phù hợp với lòng dân, cử tri lấy ví dụ như việc phạt xe chính chủ, phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng chất lượng, hay bất cập trong thu phí giao thông…

“Điều đó cho thấy công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự hiệu quả, việc tuyển dụng, bố trí, đề bạt cán bộ công chức nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với sự phát triển của đất nước” văn bản tổng hợp ý kiến cử tri nêu rõ.

Vẫn liên quan đến cải cách hành chính, cử tri cho rằng hiện nay bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Do đó, cần tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đối với lĩnh vực đất đai, giảm thiểu phiền hà cho người dân.