Cúm gia cầm khiến nhà hàng Nhật Bản đứng trước áp lực về giá
Vừa mới tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã chào mừng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Tokyo bằng món ăn yêu thích của ông - omurice (cơm cuộn trứng chiên). Nhưng giờ đây, nhiều nhà hàng đã phải tuyên bố “loại” món trứng ra khỏi thực đơn…
Nhật Bản mới đây đã phải tiêu hủy 16 triệu con gia cầm mắc virus cúm, trong số này gà đẻ trứng chiếm hơn 90%. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng trầm trọng, đẩy giá trứng tăng cao nhất trong 30 năm. Đây đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi trứng lại là một nguyên liệu chính trong ẩm thực Nhật Bản, bao gồm từ món trứng cuộn cho đến món trứng ốp la và trứng lòng đào đặt trên mì ramen.
Tháng trước, các chi nhánh McDonald's Nhật Bản đã phải cảnh báo thực khách rằng họ có thể phải tạm dừng bán loại bánh mì kẹp thịt Teritama nổi tiếng trong những giờ hoặc ngày cao điểm. Teritama là sự kết hợp của sốt teriyaki và trứng. “Thật khó để dự đoán tình hình sẽ như thế nào vào mùa hè và mùa thu”, Jonathan Kushner, người phát ngôn của McDonald's Nhật Bản trả lời kênh BBC. Vào mùa xuân, McDonald’s Nhật Bản thường phục vụ món Teritama Muffin - bánh sandwich làm từ gừng, táo, xúc xích và trứng. Tuy nhiên năm nay, Teritama Muffin cũng không xuất hiện trong thực đơn của chuỗi nhà hàng nổi tiếng này.
Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Nhật Bản cũng đã phải tạm dừng bán khoảng 15 mặt hàng kể từ tháng 2. Ngoài ra, các cửa hàng trên toàn quốc đã điều chỉnh công thức làm bánh mì và salad của họ để tiết kiệm trứng. Người tiêu dùng cũng phải trả nhiều tiền hơn. Công ty thực phẩm Kewpie, nổi tiếng với loại sốt mayonnaise có hương vị đặc trưng làm từ lòng đỏ trứng, tăng giá 21% bắt đầu từ tháng này.
Marukame Udon, một nhà hàng mì udon Nhật Bản, nơi có thể dùng bữa với giá từ 500 đến 1.000 yên (gần 90.000 đến 180.000 đồng), đã loại bỏ trứng luộc trong suối nước nóng, món trứng oyakodon và trứng trong món mì udon khỏi thực đơn. Saizeriya, một nhà hàng gia đình thường được các gia đình Nhật Bản ghé thăm khi đi ăn ngoài, đã ngừng cung cấp món trứng luộc chín mềm phủ phô mai.
Tờ The Straits Times đưa tin, các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng buộc phải cắt giảm. Vào tháng 2, chuỗi cửa hàng ăn uống bình dân Skylark Holdings đã tạm dừng bán nhiều món trong thực đơn bao gồm cơm chiên trứng và bánh kếp. Trứng luộc kiểu Nhật, trước đây được cung cấp miễn phí cho khách hàng đặt món lẩu sukiyaki, hiện có giá 55 yên/quả. Các công ty này dự báo họ không thấy viễn cảnh nguồn cung trứng ở Nhật Bản sẽ bình thường trở lại trong tương lai gần do gà mái bị tiêu hủy hàng loạt.
Tình hình đã gây lo ngại cho người tiêu dùng và nhà cung cấp địa phương vì trứng thường là một trong những mặt hàng thực phẩm có giá ổn định nhất của Nhật Bản. Các chuyên gia an ninh lương thực cũng cho biết áp lực về giá có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Tờ Nikkei Asia dẫn lời Seiichiro Samejima, một nhà phân tích trưởng tại Viện nghiên cứu Ichiyoshi của Nhật Bản, cho biết: “Sẽ mất khoảng sáu tháng nữa để thoát ảnh hưởng của bệnh cúm gia cầm”.
Chi phí thức ăn cho gà cao hơn cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng có thể kéo dài sang năm tới. "Trọng tâm là điều gì sẽ xảy ra trong tương lai đối với đồ nhanh và các doanh nghiệp phục vụ sản phẩm làm từ trứng", ông Samejima nói, đồng thời lưu ý các món ăn nổi tiếng có thể bị hạn chế hơn nữa trong thực đơn.
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu tài chính Teikoku Databank cho thấy 28 trong số 100 nhà điều hành thực phẩm và đồ uống lớn được niêm yết trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đã loại bỏ các mặt hàng làm từ trứng hoặc có ý định làm như vậy. Giá buôn bán trứng trong tháng này là 350 yên (khoảng 62.000 VND)/1 kg, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 1993.
Theo International Egg Commission (Uỷ ban Trứng Quốc tế) mỗi năm, trung bình một người Nhật ăn khoảng 320 quả trứng. Với số lượng này, Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ trứng nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mexico, đồng thời là nước xuất khẩu sốt mayonnaise chính, nơi khoảng 10% trứng được sử dụng để làm sốt salad. Ngoài nổi tiếng với món cơm trộn trứng sống (Tamago Kake Gohan), người dân Nhật còn thưởng thức món thịt bò nhúng trứng sống (Sukiyaki), sushi trứng sống hay mì xào trứng sống.
Tại Nhật Bản, những quả trứng sống trước khi đem ra thị trường tiêu thụ phải thông qua quy trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt (thường quét bằng tia UV). Hầu hết cơ sở đều có hệ thống băng chuyền, máy móc phức tạp để đảm bảo trứng không bị nhiễm khuẩn salmonella. Trước khi đem trứng đến tay người tiêu dùng, mỗi quả trứng sẽ được khử trùng và kiểm ta các sai sót như vết nứt, vết bẩn và máu. Nếu bất kỳ quả nào không đủ tiêu chuẩn sẽ bị loại bỏ ngay lập tức.
Đặc biệt, trứng đóng hộp ở Nhật thường có hạn sử dụng bao gồm ngày thu gom và thời gian ngon nhất (sau ngày này bạn chỉ có thể ăn chín), số seri trại gà (khi người ăn nếu gặp vấn đề sẽ sử dụng số seri này để tìm ra trang trại trứng). Để hạn chế khả năng nhiễm khuẩn, các gia đình Nhật Bản sẽ chỉ ăn một hộp trứng trong vài ngày sau khi mua về. Chủ các cửa hàng tạp hóa cũng cố gắng bán hết trứng chỉ trong 1 tuần trước ngày hết hạn.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn vì dịch cúm gia cầm. Tờ Focus Taiwan đưa tin cho hay, sản lượng trứng hàng ngày của Đài Loan đã giảm xuống còn 22,4 triệu quả vào tháng trước do dịch cúm gia cầm bùng phát, khiến giá của cả trứng gà và trứng vịt đều tăng. “Vẫn còn quá sớm để nói khi nào nguồn cung trứng gà sẽ trở lại bình thường, mặc dù chính phủ đã hứa là tình trạng thiếu hụt sẽ kết thúc vào cuối tháng này,” ông Cao Truyền Mô (Kao Chuan-mo), chủ tịch hiệp hội tiếp thị trứng của Đài Loan, cho biết.
Sự bùng phát của virus cũng đã lan rộng khắp Bắc Mỹ và Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi. Trong khi đó, suốt một năm qua, giá trứng trên toàn thế giới vốn tăng cao do xung đột Nga – Ukraine kéo giá năng lượng và thức ăn chăn nuôi lên cao. Tại Mỹ, giá trứng năm qua tăng gần 60%. Ở New Zealand – nơi có lượng tiêu thụ trung bình cao hơn hầu hết nước khác, giá trứng tăng khiến người dân đã phải đổ xô đi mua gà về nuôi để tự đảm bảo nguồn cung.