16:47 13/04/2018

"Cùng điều kiện sản xuất như Singapore, năng suất người Việt còn cao hơn"

KIỀU LINH

Ghi nhận trong phiên thảo luận về năng suất lao động Việt Nam tại Diễn đàn CEO 2018

Phiên thảo luận về năng suất lao động Việt Nam tại Diễn đàn CEO 2018.
Phiên thảo luận về năng suất lao động Việt Nam tại Diễn đàn CEO 2018.

Trong phiên thảo luận về năng suất lao động Việt Nam tại Diễn đàn CEO 2018, diễn ra ở Hà Nội chiều 13/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi: theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta cao hơn bình quân ASEAN, nếu căn cứ lập luận ấy thì khoảng cách với các nền kinh tế ASEAN hẹp lại. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê lại cho rằng khoảng cách xu hướng giãn ra?

Do xuất phát điểm thấp

Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong những năm gần đây, với chính sách đổi mới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khu vực là do sự cố gắng của các doanh nghiệp, và do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp nên tốc độ tăng cao, còn các nước khác phát triển hơn Việt Nam, nên để tăng được một % năng suất lao động thì rất lâu. 

Cho nên, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khác nhưng chênh lệch về năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác cũng cao.

"Chúng ta phải nỗ lực mới rút ngắn được khoảng cách. Nhưng nói vậy không có nghĩa phải cố gắng để đuổi kịp mà phải làm thế nào để tăng năng lực nội tại của Việt Nam lên", ông Lâm nói.

"Với tình hình hiện nay thì 10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào".

Theo ông Lâm, năng suất lao động của chúng ta thấp, bằng 7% Singapore nhưng nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, còn kỹ năng, nhanh nhẹn, thông minh của người Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Nếu cùng điều kiện sản xuất như Singapore thì chúng ta còn cao hơn họ.

Sếp là yếu tố quyết định

So sánh năng suất lao động của người Việt Nam và người Hàn Quốc, ông Bang Huyn Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, năng suất lao động ở Việt Nam bằng 99% so với năng suất lao động tại các nhà máy mà Samsung đang hoạt động ở các nước khác. Tuy nhiên, tại các nhà máy của Samsung đang có hai đối tượng lao động chính là công nhân và kỹ sư.

Tổng số lao động là công nhân tại các nhà máy Samsung ở Việt Nam là 170 nghìn lao động người Việt, còn quản lý người Hàn Quốc là 240 người, nên có thể tưởng tượng được năng suất lao động của người Việt Nam khá tương đồng so với các nước khác.

Còn với nguồn lao động chất lượng cao là kỹ sư thì có thể khác biệt do cơ chế về đào tạo. Do chương trình đào tạo ở Việt Nam nên trình độ, năng suất lao động của kỹ sư người Việt có thể yếu hơn các kỹ sư Hàn Quốc, nhưng sau khi được đào tạo 1-2 năm thì kỹ sư người Việt tương đương với các kỹ sư người Hàn Quốc.

"Tôi thấy tiềm năng của người Việt Nam rất cao. Tôi không nghĩ năng suất của người Việt Nam thấp mà chủ yếu là do quá trình đào tạo, quản lý lao động mà ở đây là vai trò của các nhà quản lý. Tôi có thể lấy ví dụ về tiềm năng của người Việt như chiến thắng của tuyển thủ Việt Nam trong giải đấu vừa rồi. Họ gặp được người huấn luyện viên tốt nên họ đã được đào tạo và chiến thắng. Nếu người lao động Việt Nam có được sếp giỏi thì năng suất lao động người Việt cũng được nâng lên", ông Woo nói.

Đồng quan điểm với ông Bang Huyn Woo, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Egroup cho rằng, chính người sử dụng lao động quyết định và chịu trách nhiệm năng suất lao động của doanh nghiệp mình. 

"Giám đốc phải là người chịu trách nhiệm tuyệt đối về năng suất lao động doanh nghiệp của mình. Quan trọng nhất là người đứng đầu tạo môi trường văn hoá cạnh tranh lành mạnh, thưởng phạt phân minh, thu hút người tài, giữ người tài. Đồng thời, đầu tư xây dựng chiến lược, hoạch định đúng về số lượng, chất lượng, quyết định năng suất lao động", ông Thuỷ nói.

Tiềm năng có, nhưng...

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam nói, tiềm năng tăng năng suất với lao động Việt Nam là cao, nhưng phải khai phá được các yếu tố: lãnh đạo đưa ra hệ chính sách tiền lương, thưởng, đào tạo nghề gắn người lao động; hệ thống quản trị công ty và văn hoá doanh nghiệp phải có sức sáng tạo, tạo cho người lao động khả năng làm việc kỷ luật lao động.

Thêm nữa, đặc biệt quan trong là hệ tư liệu sản xuất gồm công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu 70% lạc hậu, thì rõ ràng năng suất lao động không cao là đúng, bà Thanh nói.

Cũng tại phiên thảo luận, gần 500 lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã thực hiện khảo sát về năng suất lao động tại doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, có đến 10% cho rằng năng suất lao động ở cơ quan mình rất cao, 57% cho rằng năng suất lao động cơ quan mình cao, 23% trung bình, 10% thấp và không ai cho rằng rất thấp.

Nhận xét kết quả khảo sát trên, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng kết quả trên phản ánh đúng về năng suất lao động của các doanh nghiệp, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế Việt Nam.