15:41 29/10/2020

Cuộc chiến căng thẳng và bất ngờ ở cổ phiếu MSN

Lan Ngọc

Lịch sử đã cho thấy sau phiên lao dốc cực mạnh hôm qua thì dư địa cho thị trường phục hồi hôm nay là khá cao. Tuy vậy vẫn xuất hiện những biến động cực mạnh khi cuộc chiến tại các mã trụ vẫn đang diễn ra

Cổ phiếu MSN đã tăng giá cực mạnh và bị chốt lời rất nhiều nhưng vẫn có lực cầu đỡ giá.
Cổ phiếu MSN đã tăng giá cực mạnh và bị chốt lời rất nhiều nhưng vẫn có lực cầu đỡ giá.

Lịch sử đã cho thấy sau phiên lao dốc cực mạnh hôm qua thì dư địa cho thị trường phục hồi hôm nay là khá cao. Tuy vậy vẫn xuất hiện những biến động cực mạnh khi cuộc chiến tại các mã trụ vẫn đang diễn ra.

Hôm qua VIC là nhân tố gây sốc, hôm nay đến lượt MSN. Khi thông tin bán vốn liên quan đến MSN xuất hiện, đà tăng giá của cổ phiếu này đã chậm lại. Với mức tăng giá trên 62% chỉ trong 17 phiên, 3 ngày gần đây bắt đầu có hiện tượng chốt lời. Hôm qua MSN cũng phải chịu mức giảm 2,2%.

MSN tiếp tục sập mạnh đầu phiên hôm nay, mất khoảng 3,5% xuống giá 83.000 đồng. Tuy nhiên sau đó MSN thu hẹp mức giảm khi giá phục hồi về 85.000 đồng. Đó là những biến động tốt nhất của cổ phiếu này cho tới trước 9h30.

Cả thời gian còn lại MSN từ từ lao dốc giảm và giảm đặc biệt mạnh sang phiên chiều. Khoảng 25 phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục là thời gian MSN chịu sức ép lớn nhất, giá giảm xuống tận mức sàn. MSN trượt dốc quá nhanh đã phần nào tạo nên một nhịp giảm cũng cực nhanh ở các chỉ số. VN-Index từ khoảng 923 điểm cắm đầu rơi xuống 914,33 điểm. VN30-Index từ 891 điểm xuống 879,74 điểm.

Thực ra một mình MSN thì không đủ vì vốn hóa cũng chưa phải hàng đệ nhất (đứng thứ 9 trong VN-Index). Đợt lao dốc ở các chỉ số còn có sự cộng hưởng của VIC từ 102.800 đồng giảm xuống 100.000 đồng; VNM từ 107.000 đồng xuống 106.100 đồng; VCB từ 84.400 đồng còn 83.600 đồng...

Điều hấp dẫn ở MSN chính là cuộc chiến cực kỳ căng thẳng và bất ngờ đã diễn ra vào phút chót. MSN bị bán cả triệu cổ giá ATC và dĩ nhiên dự kiến đóng cửa mức sàn 80.000 đồng. Tuy nhiên phút cuối cùng lệnh mua lớn được nhồi vào, kéo giá tăng bật lên 84.000 đồng, chỉ còn giảm 2,33% so với tham chiếu. MSN là blue-chips lớn duy nhất có đột biến giá mạnh như vậy ở đợt ATC. Thanh khoản trong đợt đóng cửa lên tới trên 3,3 triệu cổ.

Tính ra MSN phục hồi tới 5% so với giá thấp nhất ngày đồng thời thanh khoản lập kỷ lục mới trong lịch sử khi giá trị khớp lệnh đạt tới 558,5 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài xả 4,42 triệu cổ tức là chiếm 66% thanh khoản phiên này. Với mức tăng giá quá khủng khiếp kể từ đầu tháng 10 mà vẫn xuất hiện lực cầu đỡ giá mạnh như vậy chứng tỏ MSN là một cuộc chiến của những nhà đầu tư khủng.

Cuộc chiến kinh hoàng ở cổ phiếu MSN - Ảnh 1.

Cổ phiếu MSN được kéo vọt lên khỏi giá sàn ở đợt ATC hôm nay.

VN-Index lẫn VN30-Index đều có đáy thấp nhất ngày ở cuối đợt khớp lệnh liên tục, thể hiện sức ép có phần gia tăng đáng kể về chiều. Tuy nhiên đến đợt ATC thì ngoài MSN, một số mã lớn khác cũng được kéo giá lên như VNM, VHM, HPG. VN-Index nhờ đó thoát được đáy, quay lên 919,08 điểm, chỉ còn giảm 0,21% so với tham chiếu. VN30-Index còn giảm 0,25%. Mức giảm như vậy là khá nhẹ.

Trụ đỡ cho chỉ số hôm nay chỉ có nhóm Vin, với VIC tăng 0,5%, VHM tăng 0,79% và VRE tăng 0,39%. Các mã ngân hàng lớn nhất lại giảm: BID giảm 1,65%, CTG giảm 2,68%, VCB giảm 0,71%, TCB giảm 2,68%. VPB, MBB, STB, HDB tăng giá nhưng vốn hóa khá nhỏ.

Thực tế thị trường đã đạt được độ cân bằng nhất định dù VN-Index vẫn đỏ. Ngay trong nhóm VN30 số mã tăng giảm đã bằng nhau. Trên cả sàn HSX cũng vậy. Lúc này chỉ số còn dưới tham chiếu là do yếu tố vốn hóa.

Thanh khoản phiên này giảm tới 14,4% so với hôm qua, mức khớp lệnh chỉ còn 7.772 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá nhỏ với 847 tỷ đồng. TCB, HPG, MSN và CTG giao dịch cực lớn, đều trên 300 tỷ đồng giá trị. Dẫn đầu là TCB với 798,9 tỷ đồng và 36,15 triệu cổ. Rất tiếc thanh khoản lớn thể hiện lực xả quá nhiều, giá giảm sâu hôm nay và chỉ từ đầu tuần tới giờ đã mất 9,2% giá trị.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng không ngừng nghỉ. Sàn HSX phiên này lại mất thêm 336 tỷ đồng ròng nữa. Riêng rổ Vn30 bị bán ròng 397 tỷ đồng. MSN, VRE bị xả ròng cực lớn với hơn 4,3 triệu cổ và 2,2 triệu cổ. BID, GAS, VJC, VNM, VIC cũng bị bán nhiều. Phía mua có HPG, STB, SSI.