15:00 27/05/2019

Cuộc chiến giao đồ ăn khốc liệt tại Việt Nam: Đã hết “game”?

Thiên An

Sự tham chiến của những "tân binh" làng giao thức ăn đã châm ngòi cho cuộc đua khốc liệt một năm qua

Trong tương lai, ai sẽ bứt phá, ai sẽ bỏ cuộc vẫn không thể đoán trước.
Trong tương lai, ai sẽ bứt phá, ai sẽ bỏ cuộc vẫn không thể đoán trước.

Sự tham chiến của những "tân binh" làng giao thức ăn đã châm ngòi cho cuộc đua khốc liệt một năm qua. Kẻ mạnh vươn lên dẫn đầu, còn lại đa phần các "chiến binh" khác gục ngã… Kẻ ở, người đi, liệu cuộc chiến đã đi đến hồi kết?

Grab châm ngòi cuộc chiến?

Thời điểm giữa năm 2018 trở về trước, thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam khá yên ắng khi "thế lực" của Now dường như đã áp đảo danh tiếng của những cái tên còn lại.

Tháng 6/2018, Grab công bố chính thức triển khai GrabFood, lấn sân thị trường giao nhận món ăn trực tuyến với tham vọng trở thành ứng dụng làm dấy lên sự ái ngại của không ít người dùng. Lý do dễ thấy nhất, Grab khi ấy có thế mạnh chủ yếu ở dịch vụ gọi xe, trong khi Now đã có cho mình sự hộ tống vững chắc về khía cạnh ẩm thực là Foody.

Nửa năm sau đó, Grab liên tiếp mở rộng triển khai dịch vụ giao nhận thức ăn tại Hà Nội, Đà Nẵng và phủ sóng 15 tỉnh thành chỉ sau 7 tháng kể từ khi chính thức ra mắt. Thị trường giao nhận đồ ăn lúc bấy giờ ghi nhận GrabFood như một tân binh với tốc độ phát triển được xem là nhanh nhất.

Khi đó, người ta mới công nhận rằng chính thế mạnh ở mảng di chuyển, với mạng lưới đối tác tài xế lên đến cả trăm ngàn tính đến thời điểm hiện tại, đã tạo cho GrabFood một bước đệm để phát triển.

Vận hành dựa trên "xương sống" là lực lượng shipper, có thể nói ở thị trường giao nhận thức ăn, kẻ nào "đông" hơn ắt sẽ thắng, đặc biệt là ở mảng tốc độ giao hàng. Theo đó, mảng giao hàng của Grab đã nhanh chóng chứng tỏ thế mạnh về mặt thời gian với trung bình chỉ còn từ 20 phút/đơn hàng.

Điều này giúp GrabFood chiếm lĩnh tâm trí người dùng với thời gian giao đồ ăn nhanh, và nhanh chóng trở thành một "hiện tượng" trong thị trường giao thức ăn trực tuyến.

Mới đây, GrabFood kỉ niệm một năm chào sân thị trường Việt Nam với công bố không thể ấn tượng hơn - tăng gấp 250 lần về lượng đơn hàng trung bình hàng ngày so với đầu quý 3/2019.

Khảo sát mới nhất của Kantar vào tháng 4/2019 đồng thời cũng cho kết quả 81% người dùng chọn dịch vụ giao nhận thức ăn của Grab là thương hiệu họ sử dụng thường xuyên nhất.

Thành công của Grab khiến nhiều cái tên trong làng start-up công nghệ cũng không thể nào "phó mặc làm ngơ" với miếng bánh giao nhận thức ăn béo bở tại Việt Nam.

Go-Viet chào sân thị trường gọi thức ăn Việt Nam với dịch vụ Go-Food ngay sau khi chỉ vừa triển khai dịch vụ gọi xe được 3 tháng tại đây. Mặc cho những lời nhận xét là khá vội vàng, Go-Food tiến công dồn dập với hàng loạt các chiến dịch quảng bá, ưu đãi để thu hút khách hàng, điển hình như việc ký kết Đại sứ thương hiệu với một ca sĩ sở hữu lượng người hâm mộ lớn tại Việt Nam.

Có thể thấy, chỉ trong vòng 1 năm, với sự châm ngòi của Grab, sự độc tôn của Now đã bị phá vỡ, thị trường giao nhận thức ăn theo đó cũng bùng nổ cuộc chiến mới. Đến thời điểm hiện tại, cục diện giao nhận thức ăn đã hoàn toàn thay đổi, hình thành một "thế chân vạc" giữa GrabFood, Now và GoFood - được xem là 3 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam (theo khảo sát của GCOMM).

Tuy nhiên, bên cạnh sự "ăn nên làm ra" của 3 cái tên lớn trên, một số tay chơi khác đã phải ngậm ngùi bỏ cuộc. Điển hình, đầu năm 2019, Lala (thuộc Ahamove) đã đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm.

Hay trước đó, FoodPanda - đối thủ trực tiếp của Now cũng đã phải "bán mình" cho Vietnammm. Nhưng mới đây, Vietnammm lại tiếp tục "bán mình" cho Woowa Brothers - một kỳ lân trong thị trường giao nhận thức ăn tại Hàn Quốc.

Sự xoay chuyển liên tục với những cái tên rút khỏi cuộc chơi, những cuộc mua lại - sáp nhập đã cho thấy tính khốc liệt của thị trường giao thức ăn trực tuyến.

Ai hưởng lợi từ cuộc đua khốc liệt?

Có thể thấy, trong một năm trở lại đây, dịch vụ giao thức ăn đã không ngừng được đầu tư và cải tiến. Trong đó, thay đổi rõ rệt nhất đến từ tốc độ giao thức ăn, khi hầu như tất cả các dịch vụ đều tập trung để cải thiện tốc độ giao hàng.

Ngoài GrabFood hiện chiếm lĩnh vị trí dịch vụ giao thức ăn nhanh nhất, Go-Food cũng đang chú trọng rút ngắn thời gian giao hàng, tận dụng lực lượng tài xế sẵn có. Ngay cả Now - "cựu binh" với vị trí vững chắc trên thị trường cũng đang phải "chấn chỉnh" lại tốc độ để đuổi kịp các ông lớn gọi xe đáng gờm.

Ngoài ra, khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt và thị trường giao đồ ăn đang có dấu hiệu dần bão hoà, việc "chỉ" làm nhiệm vụ giao nhận dường như chưa đủ sức để làm thoả mãn những nhu cầu ngày càng leo thang của người dùng.

Theo đó, các dịch vụ cần liên tục "làm mới" và ở một mức độ cao hơn phải chứng minh sự "độc nhất" để thu hút người dùng, hoặc ít nhất, góp phần làm cho họ cảm thấy được cộng thêm một giá trị nào đó khi sử dụng dịch vụ.

Trong khi Now mang đến hàng loạt bộ sưu tập món ăn, tận dụng tài nguyên từ nền tảng Foody để tạo nên sức hấp dẫn, GrabFood cũng không kém sáng tạo khi triển khai chương trình "Món độc quán quen", kết hợp với các đối tác nhà hàng, quán ăn để tạo nên các món ăn độc nhất chỉ có trên nền tảng.

Ngoài ra, sự ra đời của các nền tảng giao thức ăn trực tuyến chắc chắn sẽ giúp nhiều nhà hàng, quán ăn "ăn nên làm ra". Đặc biệt, với những hàng quán nhỏ lẻ, không có một vị trí đắc địa hay đội ngũ và nguồn lực tài chính lớn mạnh để đầu tư vào các hoạt động quảng bá chuyên sâu, dịch vụ giao nhận thức ăn sẽ cho họ một giải pháp kinh doanh mới, giúp mở rộng phạm vi cơ sở khách hàng cũng như tận dụng lực lượng shipper sẵn có. Thậm chí, một số đối tác kinh doanh GrabFood đã có mức bình quân thu nhập ròng tăng đến 300% khi tham gia nền tảng.

Người dùng và hàng quán được lợi thì thị trường giao thức ăn trực tuyến sẽ còn phát triển và cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong tương lai, ai sẽ bứt phá, ai sẽ bỏ cuộc vẫn không thể đoán trước.