09:55 11/08/2008

Nhập khẩu công nghệ: “Không thể có cuộc cách mạng!”

Việt An

"Công nghệ cao của chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế, không thể mơ mộng được"

"Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là hướng chính và luôn là hướng chính".
"Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là hướng chính và luôn là hướng chính".
"Công nghệ cao của chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế, không thể mơ mộng được."

PGS.TS Vũ Hoài Ân (Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp - IMI, Bộ Công Thương) đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến trên trong cuộc trò chuyện với phóng viên, xung quanh đề tài nhập khẩu công nghệ.

Quan điểm của ông như thế nào về việc chuyển giao công nghệ giữa nước ta với nước ngoài?

Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là hướng chính và luôn là hướng chính.

Chuyển giao công nghệ trong Việt Nam cũng là một hướng nữa nhưng là hướng tiếp theo, nhỏ và yếu hơn hướng đầu tiên vì chúng ta không có nhiều công nghệ.

Với chuyển giao công nghệ chúng ta có thể đi tắt đón đầu mấy chục năm. Chuyển giao công nghệ là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi theo. Nhất là trong thời đại ngày nay, chúng ta đang cần nhiều công nghệ mới để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tức là chúng ta vẫn đang ăn đong công nghệ?

Chúng ta muốn tự mình làm rất nhiều thứ nhưng lực bất tòng tâm vì phụ thuộc vào đội ngũ chất xám, trang thiết bị, các phòng thí nghiệm...

Do vậy, với những công nghệ không đòi hỏi quá lớn về đầu tư trang thiết bị máy móc, phòng thí nghiệm thì chúng ta có thể làm ra, nhưng chỉ giới hạn trong một số ngành nghề nào đó, ví dụ như nông nghiệp.

Nhưng với công nghệ cao của ngành công nghiệp thì chỉ có một số ít hãng làm chủ được, và không phải ai thích là có thể làm được nên chúng ta tiếp nhận chuyển giao công nghệ là chính. Mỗi nước đều có những công nghệ cao cấp của mình, ví dụ Đức là công nghệ quang học. Những máy đo 3 chiều, máy công nghệ cao thì một số hãng của Đức và Thuỵ Sĩ đang làm chủ hoàn toàn và họ bán khắp thế giới.

Để có một hệ thống công nghệ hiện đại, chúng ta có nên làm cuộc cách mạng  công nghệ?

Chúng ta đã nhập công nghệ không được tiên tiến thì phải tính đến việc duy trì nó được bao lâu. Chẳng hạn như nhiều tỉnh thích có nhà máy đường, mua công nghệ đã lạc hậu của Trung Quốc cho rẻ, và đã có những trường hợp phải “hy sinh”, cả nhà máy phải đóng cửa.

Kinh nghiệm xương máu là nếu nhập công nghệ thì phải nhập công nghệ cao hơn. Đấy là quá trình diễn ra lẻ tẻ chứ không thể có cuộc cách mạng.

Công nghệ tốt nhưng người vận hành chưa giỏi liệu có thích ứng được?

Nhân lực là quan trọng trong quá trình sử dụng công nghệ mới do vậy vấn đề đào tạo là quan trọng. Rất nhiều máy móc bây giờ tự động hoá cao, nếu người vận hành không có chuyên môn thì rất dễ phá hỏng nó.

Ngay cả những công nhân có tay nghề giỏi nhưng đứng trước những máy công nghệ cao cũng không thể làm gì được nếu không được đào tạo.

Do đó việc đào tạo kỹ sư, chuyên gia công nghệ cao được Viện IMI rất chú trọng, nhiều công ty bên ngoài đến IMI học hỏi công nghệ cao để đào tạo những cán bộ có trình độ về tự động hoá, về công nghệ cao, có thể vận hành được những thiết bị mới.

Mấy năm qua, mỗi năm IMI đào tạo khoảng 60-100 cán bộ công nghệ cao. Họ là kỹ sư, đội trưởng là chính, chỉ có một số ít là công nhân đào tạo theo hợp đồng trực tiếp với 1 đơn vị, đa số công nhân được gửi về các trường đào tạo nghề.

Trong cả nước có những đơn vị đào tạo về công nghệ như thế nào và chất lượng ra sao, thưa ông?

Số đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ cao ở Việt Nam không nhiều.

Ở miền Bắc, ngoài IMI có Đại học Công nghiệp, Trường Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Tp.HCM có Trường Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, số còn lại hầu như không đủ trình độ vì không được trang bị đội ngũ cán bộ cũng như thiết bị máy móc.

Chất lượng đào tạo tạm chấp nhận chứ chưa được như mong muốn, vì muốn đào tạo được tốt như ở nước ngoài thì phải có những trường đào tạo với những thiết bị cao như thiết bị mới nhập về cho các nhà máy.

Cảm nghĩ của ông như thế nào khi nền công nghệ cao chưa được như ý muốn?

Công nghệ cao của chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế, không thể mơ mộng được.

Chúng ta đã có những công nghệ cao nhưng phải phổ cập nó rộng rãi nữa. Hiện nay, công nghệ cao của chúng ta mới chỉ ở một số công ty, nhà trường, học viện.

Theo tôi, cùng với xu hướng cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, từ nay trở đi các doanh nghiệp nhà nước sẽ đóng góp không nhiều trong tỷ lệ đầu tư cho công nghệ cao mà chủ yếu đi vào nhưng công nghệ then chốt như: điện, dầu khí, hoá dầu còn các chuyện khác dành cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Thực ra, các công ty tư nhân bên ngoài họ phát triển cũng nhanh, họ có tiền và nhập những công nghệ cao. Do đó, các đơn vị ngoài quốc doanh mới là nơi cần thiết đầu tư cho công nghệ cao.