10:26 29/06/2012

Truyền hình trả tiền ở Việt Nam “lộn xộn và manh mún”

Mạnh Chung

Trong những năm qua, lĩnh vực truyền hình trả tiền của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng lại rất lộn xộn và manh mún

Truyền hình đã và đang là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Truyền hình đã và đang là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Trong những năm qua, lĩnh vực truyền hình trả tiền của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng lại rất lộn xộn và manh mún.

Quan điểm trên được Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đưa ra hôm 28/6 bên lề hội thảo quy hoạch lĩnh vực truyền hình.

Ông Tuấn nói:

- Có những đơn vị truyền hình cáp sử dụng công nghệ cũ quá nhỏ lẻ, chỉ có một vài ngàn thuê bao đến vài chục ngàn thuê bao, không đủ sức cạnh tranh với các đơn vị lớn như SCTV, VCTV…

Trong khi, Việt Nam tham gia các công ước về bản quyền, giá bản quyền ngày càng cao. Nếu chúng ta cứ manh mún, cứ từng đơn vị mua bản quyền của nước ngoài thì chi phí sử dụng dịch vụ của người dân bị đội lên cao và lãng phí nguồn lực xã hội.

Khi thị trường chỉ có một vài doanh nghiệp lớn, đủ sức mạnh để mặc cả, đàm phán với các nhà bán bản quyền ở mức giá hợp lý thì sẽ tiết kiệm cho người dân rất nhiều và nó tăng số lượng kênh, chương trình.

Có những bản quyền truyền hình như giải bóng đá Anh,… nếu ta cứ tự cạnh tranh nhau thì chỉ tạo cho nước ngoài nâng giá. Vì thế, việc có một cơ chế phối hợp, không còn lộn xộn nữa, tạo thành thế chân vạc vững chắc, cùng chia sẻ doanh thu thì người dân sẽ được hưởng lợi nhiều.

Và khi đó, chi phí thấp đi, giá cước dịch vụ, phí thuê bao dịch vụ giảm thì người dân được hưởng lợi. Chất lượng dịch vụ từ mạng sử dụng công nghệ cáp đồng trục của những năm 1950 sẽ chuyển sang công nghệ số với dịch vụ HDTV, hướng tới 3D tivi, tới công nghệ truyền hình tương tác hai chiều. Người tiêu dùng sẽ được hưởng thụ dịch vụ truyền hình theo ý thích của mình.

Hiện chúng ta có quá nhiều các đơn vị làm truyền hình cáp, theo ông có nên phát triển các đơn vị truyền hình cáp mới hay không? Hay ta nên theo xu hướng giảm dần?

Việc phát triển các đơn vị truyền hình cáp mới hay không, chúng tôi đặt theo quan điểm thị trường.

Đơn vị truyền hình cáp là Pay TV (truyền hình trả tiền), theo cơ chế thị trường, các đơn vị tự phát triển. Còn quan điểm của Bộ, việc phát triển đơn vị mới hay không là phụ thuộc công nghệ đơn vị ấy sử dụng là gì. Tránh sử dụng công nghệ lạc hậu. Ví dụ cáp đồng trục là không nên phát triển. Giờ phải là công nghệ số.

Mặt khác phải bảo đảm quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình mặt đất. Cáp bây giờ phải là cáp quang, phải ngầm hóa. Chúng ta đã có ngần ấy mạng viễn thông, dây điện treo lên trời, quá nhiều, giờ lại thêm truyền hình cáp treo lên đó nữa thì cột điện càng nhanh đổ, càng mất mỹ quan… Chúng ta phải sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

Theo tôi, với doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông. Cơ sở hạ tầng đã đầu tư là cáp quang, cáp xoắn đôi… thì tốt nhất nên cung cấp IPTV, đừng làm truyền hình cáp nữa. Anh nào làm truyền hình cáp đã có rồi thì sớm chuyển sang công nghệ số, truyền thêm dịch vụ khác như Internet vào đó để gia tăng doanh thu hoặc nhiều các dịch vụ khác.

Tóm lại, việc phát triển mới hay không, phụ thuộc vào công nghệ mà đơn vị đó lựa chọn.

Thứ hai, Nghị định 25 hướng dẫn Luật Viễn thông có nêu rõ các tiêu chí như doanh nghiệp phải có vốn pháp định bao nhiêu, sau năm đầu tiên phải đầu tư bao nhiêu tiền và ba năm sau phải phủ toàn quốc… Đơn vị nào đảm bảo tiêu chí như vậy thì Bộ mới cấp.

Vì thực tế lâu nay doanh nghiệp thường chỉ tập trung phát triển các vùng có lãi như thành phố, thậm chí trong thành phố chỉ có quận giàu thôi, quận nghèo cũng không được chú trọng, làm chênh lệch hưởng thụ thông tin của người dân. Rất bất hợp lý.

Chủ trương của quy hoạch là sử dụng công nghệ mới, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả tiền hiện nay đều dùng công nghệ cũ (cáp đồng trục). Vậy, nếu chúng ta hướng tới công nghệ mới, liệu có lãng phí do thay đổi công nghệ không?

Việc chuyển đổi công nghệ phải là quá trình, theo mức độ hưởng thụ của người dân. Có xu hướng rất mạnh là chuyển đổi công nghệ truyền hình từ màn hình CRT sang màn hình LCD, LED, chúng ta có công nghệ  mới là HD thì nhu cầu xã hội sẽ thay đổi.

Vì thế, việc chuyển đổi này theo nhu cầu thị trường và sẽ song song tồn tại hai loại công nghệ đó, dần dần analog sẽ giảm đi. Quan điểm của Bộ là không bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ, vì đó là đầu tư của doanh nghiệp, họ phải có lãi đã.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi dần, bắt đầu như vết dầu loang ở thành phố rồi lan dần đến các vùng nông thôn, hướng tới truyền hình công nghệ cáp tương tự sẽ kết thúc chuyển đổi trước 2018 - 2020 theo nhu cầu của thị trường.

Có một thực tế hiện nay là, ngay cả khi thị trường “lộn xộn” vẫn có nhiều đơn vị “bắt tay ngầm” trong việc cung cấp dịch vụ. Giờ quy hoạch lại một số đơn vị lớn (mỗi loại hình (cáp, vệ tinh, mặt đất…) có 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp trong khu vực – theo quy hoạch), thì sự lũng đoạn thị trường có cao lên hay không?

Bộ hết sức phản đối điều này vì quyền lợi của khách hàng thể hiện bằng tính cạnh tranh. Nếu một nơi chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ là điều không thể chấp nhận. Quan điểm này cũng đã xuất phát từ dịch vụ viễn thông. Ngày xưa chỉ có VNPT, sau đó đến Viettel… và sau khi phát triển ra thì có rất nhiều doanh nghiệp khác.

Sắp tới Bộ sẽ có những quy định bắt buộc doanh nghiệp có hạ tầng mạng ở đó phải mở mạng, công bố giá cước cho thuê để các nhà cung cấp dịch vụ triển khai dịch vụ. Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các nhà mạng sử dụng các công nghệ vô tuyến.

Vậy bao giờ thì mình ra quy định về việc buộc phải mở cáp cho đơn vị khác?

Chúng tôi hy vọng vào từ nay đến 2015. Thời điểm hợp lý nhất Bộ sẽ trình thủ tướng quyết định.

Một số đơn vị lo lắng, việc phát triển IPTV (truyền hình qua giao thức Internet) của một số doanh nghiệp viễn thông, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh?

Đúng rồi.

Việc phát triển của IPTV là tất yếu. Theo xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới mạng viễn thông từ lúc băng hẹp chuyển sang băng rộng rất nhanh, mà khi băng rộng là họ sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình. Đây là điều tất yếu mà không có nhà phát triển truyền hình cáp nào có thể cản được.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, Bộ và cơ quan chức năng sẽ phải quan tâm quản lý chặt chẽ về giá cước khuyến mãi, bù chéo. Tránh trường hợp lấy lãi từ di động, từ cái khác để bù sang dịch vụ này để hạ giá cước giá thành dịch vụ, dẫn đến thị trường không lành mạnh.

Thưa ông, hiện chúng ta đang có lộ trình số hóa đến 2020, vậy các đơn vị truyền hình cáp có bị mất không?

Không, theo nghiên cứu của chúng tôi ở các nước đều tồn tại song song các loại hình như truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, IPTV, DTH, không có loại nào diệt loại nào. Đến nay, cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều tồn tại bốn loại hình, nhưng tỷ lệ thì có thể khác nhau. Ở Việt Nam, thị trường truyền hình số mặt đất rất lớn nhưng tương lai sẽ giảm đi và Pay TV sẽ tăng lên.

Theo quy hoạch, chúng ta phải hạn chế số lượng các nhà khai thác truyền hình. Tại sao lại như vậy?

Như viễn thông, chúng ta sẽ hướng đến mức còn 3-4 nhà khai thác. Một số nhà khai thác nhỏ nhà đầu tư đã rút ra, các nhà khai thác khác khó cạnh tranh. Với truyền hình, chúng tôi không muốn xảy ra tương tự như viễn thông. Nên, thà quy hoạch trước để đỡ lãng phí nguồn lực Nhà nước. Mặt khác, quy mô truyền hình chỉ bằng 1/10 của viễn thông, nếu tất cả mọi người xô vào, cũng như chứng khoán, ngân hàng… cứ ào ạt vào rồi lại phải cơ cấu, sáp nhập.

Chúng tôi cũng định sẽ phân loại các doanh nghiệp truyền hình cáp ra 3 loại: mạnh, trung bình, yếu. Từ nay đến năm 2015-2016 sẽ có hình thức như tái cơ cấu, sắp xếp, mua bán sáp nhập các anh yếu với nhau. Từ 2016 -2020 là các anh trung bình để hướng tới thị trường lành mạnh gồm có 3 anh cáp toàn quốc và 4-5 anh cáp khu vực, vùng.

Theo cá nhân ông, loại hình truyền hình nào sẽ phát triển nhất tại Việt Nam trong thời gian tới?

Theo tôi, ở đồng bằng sẽ là truyền hình cáp và mặt đất. Riêng ở thành phố, người ta sẽ sử dụng truyền hình cáp vì xu hướng hưởng thụ cao và yêu cầu nội dung trên truyền hình cao như HD, 3D. Còn ở miền núi, phải là DTH vì truyền hình mặt đất không thể kéo được lên tít đỉnh núi được. Mỗi cái có một ứng dụng riêng.