Cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch "siêu" Ủy ban quản vốn nhà nước
Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 66/QĐ-TTg lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác nói trên; Tổ phó là ông Nguyễn Hoàng Anh - nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng được chỉ định làm Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Có 3 tổ phó khác gồm: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Thành viên Tổ công tác gồm các thứ trưởng các bộ, người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp như: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ làm thư ký Tổ công tác.
Tổ công tác được thành lập có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Hoàng Anh từng là Bí thư Cao Bằng, sinh năm 1963 tại Hải Phòng.
Ông Hoàng Anh có trình độ thạc sĩ kinh tế, ông từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 11; Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...
Theo đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước,...
Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản đạt khoảng 5,4 triệu tỷ đồng.
Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ.
Danh sách 30 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước dự kiến chuyển giao cho Uỷ ban Quản lý vốn và tài sản Nhà nước
1. Tập đoàn Dệt May Việt Nam
2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
6. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam
7. Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam
8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
9. Tập đoàn Bảo Việt
10. Tổng công ty Cà phê
11. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
12. Tổng công ty Đường sắt
13. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
14. Tổng công ty Hàng không Việt Nam
15. Tổng công ty Lương thực miền Bắc
16. Tổng công ty Lương thực miền Nam
17. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
18. Tổng công ty Giấy Việt Nam
19. Tổng công ty Thép Việt Nam
20. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy
21. Tổng công ty Sông Đà
22. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)
23. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện
24. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
25. Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp
26. Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp
27. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam
28. Tổng công ty Dược Việt Nam
29. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn(Sabeco)
30. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)